Van tim có vai trò gì? Có mấy loại van tim?

1. Vị trí của Van tim

Van tim được hình thành từ mô liên kết bao quanh bởi nội tâm mạch cung cấp sự linh hoạt cần thiết để mở và đóng đúng cách đối với sự lưu thông máu thích hợp trong cơ thể, là những lá mỏng, mềm dẻo có cấu trúc giống như nắp cho phép máu chảy theo một hướng.

Có bốn loại van tim chính nằm ở trung tâm là:

  • Van 2 lá ngăn thông nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Van hai lá mở ra cho phép máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái và đóng lại khi dòng máu được bơm từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ để đưa máu đi nuôi toàn cơ thể. Việc đóng lại này ngăn không cho máu đi ngược vào lại tâm nhĩ. Hiện tượng máu từ tâm thất rỉ ngược vào tâm nhĩ gọi là sự trào ngược. Khi đó máu từ tim không bơm ra ngoài một cách bình thường, và tâm nhĩ không thể nhận máu ở lần co bóp tiếp theo. Máu có thể tồn đọng ở phần bên tim phải (và đi đến phổi) gây phù phổi. Tâm thất trái sau đó phải làm việc quá mức để tống máu đi. Và điều này về sau có thể gây suy tim.
  • Van 3 lá ngăn thông nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải của tim. Van ba lá mở ra cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải và đóng lại khi dòng máu được bơm từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy.
  • Van động mạch phổi gồm có ba van nhỏ hình tổ chim ngăn, thông nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Khi van động mạch phổi hở sẽ khiến van tim này không khép kín, máu bị chảy ngược về tim, làm cho hiệu suất trao đổi oxy của cơ thể bị giảm sút.
  • Van động mạch chủ cũng ngăn thông nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Bình thường van động mạch chủ gồm 3 lá van thanh mảnh đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động của tim cho phép dòng máu chạy theo một chiều từ tâm thất trái ra động mạch chủ. Khi van động mạch chủ bị hở thì tình trạng van đóng không kín làm một phần lượng máu sau khi được bơm vào động mạch chủ chảy ngược lại tâm thất trái

Ngoài ra còn có các xoang mạch vành và các van tĩnh mạch chủ dưới.

2. Cấu tạo của Van tim

Van tim có cấu tạo bởi mô liên kết, không có mạch máu, một đầu gắn cố định vào mấu lồi ở thành trong của tâm thất bằng các dây chằng, một đầu gắn với bờ ngăn tâm nhĩ với tâm thất của tim. Chất bao ngoài van tim có bản chất là mucoprotein. Hệ thống van tim cấu tạo rất phù hợp với chức năng tạo áp lực cho dòng máu và giúp máu di chuyển một chiều:

Giải phẫu van tim: Giữa tâm nhĩ và tâm thất có van nhĩ thất đảm bảo cho máu chỉ chảy một chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải là van ba lá. Giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái là van hai lá. Van hai lá chắc chắn hơn van ba lá, phù hợp với lực co bóp mạnh của tâm thất trái. Giữa các tâm thất và động mạch chủ, động mạch phổi có van thất động (van bán nguyệt hoặc van tổ chim) ngăn không cho máu chảy ngược lại.

3. Chức năng của Van tim

Van tim có vai trò gì? Các van tim có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cho phép máu chảy từ nhĩ xuống thất và từ thất ra khỏi tim giúp giữ cho dòng máu lưu thông theo một chiều nhất định. Khi tim co bóp, các van sẽ thực hiện chức năng đóng và mở để kiểm soát dòng chảy của máu qua tim bởi sự chênh lệch áp suất giữa các buồng tim và một số cơ nằm trong tim. Hoạt động của van tim:

  • Một chu kỳ tuần hoàn kết thúc bằng việc máu quay trở về đổ vào tâm nhĩ phải của tim. Khi tâm nhĩ phải đầy thì van ba lá mở ra cho phép máu chảy vào tâm thất phải tới khi đầy máu, áp lực trong tâm nhĩ phải và tâm thất phải sẽ thay đổi làm van ba lá đóng lại. Van động mạch phổi đang đóng sẽ được mở ra và tâm thất phải co bóp đẩy máu qua van động mạch phổi và đi vào phổi. Khi máu đã được bơm lên phổi thì van động mạch phổi đóng lại, van ba lá mở ra, cứ như thế chu trình được lập đi lặp lại để bơm máu lên phổi.
  • Máu ở phổi sau khi được trao đổi và nhận oxy sẽ được đưa xuống tâm nhĩ trái. Khi tâm nhĩ trái chưa được bơm đầy máu thì van hai lá vẫn đóng nhưng khi máu đã được bơm đầy tạo ra sự thay đổi áp lực giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái làm cho van hai lá mở ra cho phép máu chảy vào tâm thất trái. Sau khi máu được bơm đầy thì van hai lá đóng lại nhằm mục đích ngăn máu ở tâm thất trái chảy ngược trở lại phổi khi nó co bóp.
  • Tâm thất trái là buồng bơm phía bên trái của tim và là phần cơ bắp nhất của trái tim. Khi thất trái co bóp máu sẽ được bơm qua van động mạch chủ tới động mạch chủ và các động mạch để đi nuôi cơ thể. Sau khi đẩy hết máu ra động mạch thì van động mạch chủ đóng lại để giữ cho máu từ động mạch không chảy ngược lại vào tâm thất.
  • Chu trình tuần hoàn máu tại tim cứ được lặp đi lặp lại tiếp diễn như trên và đồng bộ bắt đầu từ nhĩ (nhĩ trái – nhĩ phải) và sau đó là thất (thất trái – thất phải). Nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận van tim, cơ tim nên tim mới thực hiện tốt được chức năng của nó, cơ thể mới được cung cấp oxy và dưỡng chất một cách đầy đủ nhất.

Trong trường hợp rối loạn chức năng của một trong các van này như hẹp van tim, hở van tim có thể được thực hiện một van tim nhân tạo hoặc một loại cơ khí hay loại bioprosthesis.

4. Các bệnh thường gặp

  • Suy tim
  • Hở van động mạch chủ
  • Suy tim cấp
  • Tim bẩm sinh
  • Hẹp van hai lá
  • Thiếu máu cơ tim
  • Hẹp van động mạch chủ
  • Mạch vành

5. Những điều cần lưu ý

Lối sống cho người bệnh van tim

  • Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao khiến tim gắng sức nhiều hơn.
  • Ăn ít muối: ăn nhiều muối làm tăng giữ nước, tăng huyết áp và do vậy tăng thêm gánh nặng cho tim.
  • Không uống rượu, cà phê: rượu và cà phê có thể làm nặng hơn tình trạng rối loạn nhịp tim.
  • Tránh để quá cân tạo gánh nặng cho tim khi co bóp.
  • Tập thể dục đều đặn: giúp tăng cường các hoạt động sinh lý. Tập bao lâu và cường độ thế nào tuỳ thuộc vào khả năng chịu đựng của bệnh nhân và cần tránh để tim rơi vào trạng thái gắng sức.
  • Khám răng thường xuyên: phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bằng cách giữ vệ sinh răng miệng, khám răng thường xuyên. Cần nhớ uống kháng sinh trước khi được làm thủ thuật hoặc điều trị răng.
  • Tuân thủ chế độ điều trị nội khoa: tái khám đúng lịch hẹn và uống thuốc theo toa bác sĩ.
  • Với phụ nữ, mang thai là một gánh nặng đối với tim, nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn có thai. Nếu có thai, bác sĩ tim mạch, bác sĩ sản khoa sẽ phải theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân trong thai kỳ, khi sinh và sau khi sinh.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *