Đặt bóng đối xung động mạch chủ

1. Tổng quan về Đặt bóng đối xung động mạch chủ

  • Tên khoa học: Đặt bóng đối xung động mạch chủ
  • Tên thường gọi: Đặt bóng đối xung động mạch chủ
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Bóng đối xung động mạch chủ – IABP (Intra Aortic Balloon Counterpulsation) là một thiết bị dùng để hỗ tuần hoàn. Bóng được đưa qua đường động mạch đùi vào động mạch chủ, đến vị trí động mạch chủ xuống từ chỗ chia động mạch dưới đòn trái đến suốt chiều dài của động mạch chủ xuống. Một thiết bị đồng bộ hóa với chu chuyển tim sẽ bơm căng bóng trong thì tâm trương và làm xẹp bóng trong thì tâm thu. Vì trong thời kỳ tâm thu, bóng được làm xẹp nhanh nên tạo một khoảng âm tính nhanh trong lòng động mạch chủ xuống, làm giảm trở kháng hậu gánh, giúp tim (đang trong tình trạng bơm kém) có thể bơm máu dễ hơn. IABP có tác dụng cải thiện tưới máu mạch vành, tăng cung lượng tim, đồng thời giảm hậu gánh và giảm công cơ tim.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Suy tim
  • Máu khó đông

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh nhân bị sốc tim. 
  • Hỗ trợ huyết động trong phòng tim mạch can thiệp trong trường hợp bệnh nhân nặng, huyết động không ổn định hoặc cần can thiệp nguy cơ cao (thân chung động mạch vành trái).
  • Hỗ trợ huyết động trước, trong, và sau phẫu thuật tim trường hợp huyết động không ổn định.
  • Bệnh nhân cần cai máy tim phổi nhân tạo.
  • Suy tim mất bù.
  • Hở van hai lá cấp do rách van tim.
  • Biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim.
  • Can thiệp mạch vành qua da thất bại, rối loạn huyết động.
  • Bệnh nhân chờ ghép tim.

Chống chỉ định:

  • Hở van động mạch chủ nặng.
  • Phình động mạch chủ.
  • Tách thành động mạch chủ.
  • Hẹp eo động mạch chủ.
  • Bệnh động mạch chi dưới hoặc tình trạng thiếu máu chi từ trước.
  • Huyết khối ở động mạch đùi, động mạch chậu, động mạch chủ.
  • Nhiễm khuẩn hoặc tổn thương vùng da sẽ chọc thăm dò mạch máu.
  • Rối loạn đông máu: Trước thủ thuật, cần điều chỉnh các rối loạn về số lượng, chức năng tiểu cầu, cũng như nồng độ các yếu tố đông máu.
  • Tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân đang tiến triển.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Tỷ lệ thành công trên 90%.
  • Giảm chi phí cho bệnh nhân.
  • Giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
  • Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Nhược điểm:

  • Có thể xảy ra tai biến, tỷ lệ dưới 5%.

4. Quy trình thực hiện – Đặt bóng đối xung động mạch chủ

Bước 1: Đặt bệnh nhân lên giường bệnh đúng tư thế, tiến hành gây mê.

Bước 2: Tiến hành thủ thuật.

  • Sát trùng da rộng rãi khu vực tạo đường vào mạch máu.
  • Mở đường vào động mạch đùi (trái hoặc phải).
  • Đặt sheath mạch đùi (8F) nếu bệnh nhân béo phì, bệnh nhân có tiền sử can thiệp mạch máu gây sẹo ở mạch đùi. Sử dụng sheath đi kèm bóng (7.5F) trong các trường hợp khác.
  • Chuẩn bị bóng bơm động mạch chủ: dùng bơm để hút áp âm tính bóng, bơm rửa bóng với dung dịch nước muối sinh lý có pha heparin.
  • Kết nối đường áp lực với sheath của bóng. Tiến hành đuổi khí, cân bằng áp lực, tương tự  như khi thiết lập đường theo dõi áp lực thông thường.
  • Chuẩn bị sẵn dây nối khí helium với bóng.
  • Luồn guidewire của bóng động mạch chủ qua sheath.
  • Luồn bóng vào guidewire và đẩy bóng tới vị trí thích hợp: đầu trên của bóng nằm thấp hơn quai động mạch chủ 1-2cm, đầu dưới của bóng nằm trên chỗ chia động mạch thận.
  • Rút guidewire, kết nối bóng với hệ thống máy bơm, khởi động máy để đánh giá hoạt động của bóng, chụp lại hình ảnh hoạt động trong vòng 2-3 chu kì của bóng.
  • Cài đặt chế độ hoạt động của máy bơm.
  • Tiêm heparin cho bệnh nhân (2000 đơn vị).
  • Khâu cố định bóng và sheath. Băng vô khuẩn vùng chọc mạch.
  • Nếu đặt bóng ngược dòng động mạch chủ tại giường bệnh, cần chụp XQ để kiểm tra bóng đã nằm đúng vị trí chưa.

Bước 3: Sau khi bệnh nhân ổn định huyết động sẽ rút bóng ngược dòng động mạch chủ.

  • Tắt máy bơm bóng.
  • Làm xẹp bóng bằng cách hút hết khí từ bên trong ra.
  • Cắt chỉ cố định.
  • Kéo bóng ra đến khi nhìn thấy bóng nằm trong sheath.
  • Rút bóng và sheath ra cùng lúc.
  • Cần đảm bảo bóng được rút ra nguyên vẹn.
  • Ép cầm máu phía trên và phía dưới điểm chọc mạch. Sau khi ép, đặt cuộn băng ép (có thể dùng túi cát) lên trên chỗ chọc mạch.
  • Bệnh nhân cần nằm tại giường, duỗi thẳng chân, trong tối thiểu 6 giờ.
  • Kiểm tra vết chọc, kiểm tra mạch chi để đảm bảo vẫn tưới máu tốt.
  • Đánh giá lại vết chọc và tưới máu chi đoạn xa trong 24 giờ.
  • Nếu vẫn còn chảy máu sau băng ép, có thể cần phẫu thuật để cầm máu.

Bước 4: Kết thúc thủ thuật.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Vùng chọc mạch bị đau.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Vùng chọc mạch bị nhiễm khuẩn.
  • Vùng chọc mạch sưng tấy, mưng mủ.
  • Bệnh nhân bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
  • Vùng chọc mạch bị chảy máu.
  • Vùng chọc mạch hình thành khối máu tụ.
  • Huyết áp bệnh nhân bị tụt.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Máy bơm bóng đối xung động mạch chủ CS-300

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Thường xuyên đánh giá bệnh nhân còn cần sử dụng bóng ngược dòng động mạch chủ không.
  • Theo dõi màn hình của máy, đánh giá hình dạng sóng để đảm bảo bóng vận hành đúng (không bơm và xẹp sớm quá hay muộn quá) và đạt hiệu quả tối ưu.
  • Lựa chọn yếu tố kích hoạt bóng (trigger) là điện tâm đồ hay huyết áp động mạch tùy theo từng bệnh nhân.
  • Duy trì heparin cho bệnh nhân trong thời gian lưu bóng.
  • Kiểm tra hàng ngày tình trạng tưới máu chi đoạn thấp. Theo dõi mạch, nhiệt độ, màu sắc da của chi.
  • Theo dõi các dấu hiệu bóng rách hay vỡ: chảy máu hoặc rò khí qua catheter, hình dạng sóng thay đổi trên màn hình theo dõi .
  • Lưu ý bệnh nhân nằm thẳng, không co chân.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *