Phẫu thuật ghép giác mạc

1. Tổng quan về Phẫu thuật ghép giác mạc

  • Tên khoa học: Phẫu thuật ghép giác mạc
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Phẫu thuật ghép giác mạc là kỹ thuật cao trong nhãn khoa, dùng giác mạc của người hiến để thay thế cho mô bệnh lý của người có bệnh lý giác mạc nhằm cải thiện cấu trúc giải phẫu của nhãn cầu, phục hồi thị lực. Kỹ thuật ghép giác mạc thường quy trong điều trị các bệnh: Loạn dưỡng giác mạc; Thoái hóa giác mạc vùng trung tâm; Sẹo, đục giác mạc; Viêm loét giác mạc dọa thủng hoặc thủng, viêm loét giác mạc không đáp ứng với điều trị thuốc và có nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn nhãn cầu; Chấn thương thủng giác mạc.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Rách giác mạc
  • Loét giác mạc

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Điều trị bệnh lý giác mạc như: Loạn dưỡng giác mạc; Thoái hóa giác mạc vùng trung tâm; Sẹo, đục giác mạc; Viêm loét giác mạc dọa thủng hoặc thủng…
  • Giác mạc hình chóp (bề mặt giác mạc trở thành hình nón, gây mờ mắt)
  • Bệnh loạn dưỡng giác mạc bẩm sinh di truyền
  • Giác mạc bị thủng hoặc dọa thủng
  • Sẹo giác mạc (do nhiễm trùng hoặc chấn thương)
  • Viêm, loét giác mạc
  • Các biến chứng về giác mạc sau phẫu thuật

Chống chỉ định:

Không có chống chỉ định tuyệt đối, các trường hợp đang viêm nhiễm tại mắt, bệnh lý toàn thân chưa cho phép phẫu thuật cũng là chống chỉ định tạm thời.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Cải thiện, nâng cao chức năng thị giác cho người bệnh.
  • Chi phí vừa phải, ca phẫu thuật thực hiện nhanh chóng, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh.

Nhược điểm:

Ghép giác mạc là một thủ thuật tương đối an toàn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh gặp phải tình trạng như giác mạc hiến tặng không phù hợp bị cơ thể loại bỏ.

4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật ghép giác mạc

Bước 1: Chuẩn bị

Bệnh nhân sẽ trải qua cuộc khám mắt toàn diện trước khi tiến hành ghép giác mạc, các Bác sĩ sẽ kiểm tra và xác định các bệnh lý và tình trạng nguy hiểm có thể gây ra các biến chứng sau phẫu thuật đối với bệnh nhân. Đánh giá tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng bệnh nhân đang dùng. Bệnh nhân có thể cần phải ngừng dùng các loại thuốc và thực phẩm chức năng nhất định trước khi hoặc sau khi cấy ghép giác mạc.

Bước 2: Tiến hành ghép giác mạc

  • Bệnh nhân được chuyển vào phòng phẫu thuật, sát khuẩn, sát trùng và tiến hành gây mê, ca phẫu thuật thường mất từ một đến hai giờ.
  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ phần trung tâm của giác mạc bị tổn thương của bệnh nhân và thay bằng phần giác mạc của người hiến.
  • Bệnh nhân có thể bị thay thế nguyên cả giác mạc, thay thế chỉ lớp ngoài giác mạc hoặc lớp trong giác mạch tùy vào tình trạng cụ thể.
  • Cuối cùng, bác sĩ sẽ dùng mũi khâu vi phẫu để cố định miếng giác mạc mới vào vị trí.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Mắt của người bệnh có thể chưa ổn định những ngày đầu sau mổ, ngứa, cộm nhẹ.
  • Sau phẫu thuật ghép giác mạc, khoảng 3 tháng đến 6 tháng đầu tiên cần lưu ý tăng cường nhỏ nước mắt nhân tạo, tăng cường nhắm mắt, tránh gió bụi để lớp biểu mô của mảnh ghép nhanh chóng hàn gắn, hòa nhập với biểu mô xung quanh.
  • Đặc biệt, phòng tránh chấn thương vùng đầu mặt cổ có thể gây đứt chỉ, không tập thở gây ảnh hưởng tới sự sống còn của mảnh ghép. Thời gian tiếp theo, luôn tuân thủ chế độ điều trị và khám lại định kỳ để phòng ngừa nguy cơ thải loại mảnh ghép.
  • Người bệnh sau khi được ghép giác mạc cần lưu ý và nhận biết dấu hiệu sớm của hiện tượng thải loại mảnh ghép: Nhìn mờ, đỏ mắt, cộm và chảy nước mắt. Khi có các dấu hiệu nêu trên người bệnh cần đến khám ngay để được điều trị kịp thời, độ trong của mảnh ghép sẽ phục hồi. Nếu như không điều trị kịp thời mảnh ghép sẽ bị mờ đục và có thể phải ghép lại lần 2.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Trong một số trường hợp, hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn có thể tấn công các giác mạc hiến tặng. Điều này được gọi là sự đào thải, và cần được phải điều trị bằng thuốc hoặc thực hiện cấy ghép giác mạc khác.

Hãy đi gặp bác sĩ mắt ngay nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng cho thấy cơ thể đang loại bỏ giác mạc được hiến, chẳng hạn như:

  • Giảm thị lực;
  • Đau;
  • Đỏ;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Phản ứng loại bỏ giác mạc hiến của cơ thể xảy ra ở khoảng 20 phần trăm các ca cấy ghép giác mạc.

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

Thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh lý tại mắt, bên cạnh bệnh giác mạc loại nào, thì vai trò quan trọng màng nước mắt, bờ mi, mắt có toàn vẹn không là yếu tố tiên lượng trước phẫu thuật.

Một số bệnh về mắt chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc viêm, có thể làm giảm khả năng thành công của phẫu thuật cấy ghép giác mạc. Bác sĩ mắt của bệnh nhân sẽ làm việc để điều trị những vấn đề trước khi phẫu thuật.

Ghép giác mạc là phẫu thuật mang lại ánh sáng cho người bị mù do bệnh lý giác mạc. Tuy nhiên, người bệnh sau khi được ghép giác mạc cần lưu ý cách chăm sóc mắt trước và sau khi ghép để kết quả phẫu thuật thành công.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *