Bé mút tay ảnh hưởng thế nào đến răng hàm?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thói quen mút tay hay bất kỳ vật dụng nào trong tầm với của chúng. Nhưng thói quen xấu này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ sau này.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có thói quen mút tay, nhưng nó sẽ là vấn đề ảnh hưởng lớn đến hàm răng của trẻ nếu khi răng vĩnh viễn đã mọc mà trẻ vẫn giữ thói quen này.

Tại sao bé hay mút tay?

Những phản xạ nuốt, bám víu được hình thành ngay từ khi trẻ sinh ra, đây là điều kiện giúp trẻ phát triển. Nhờ phản xạ nuốt mà trẻ được no bụng nên phản xạ này phát triển trội hơn phản xạ bám.

Trong quá trình phát triển, trẻ nhận biết được thế giới xung quanh thông qua việc nghe nhìn, nhưng trẻ chưa nhận thức được đâu là vật mình có thể cho vào miệng nên thời điểm này, ngón tay hay bất cứ thứ gì trẻ có thể cầm nắm được đều có thể được trẻ cho vào miệng mút. Trẻ hay mút tay để biết món đồ đó ngon hay dở, cũng làm dịu đi cảm giác đói và khó chịu ở trẻ.

Mút ngón tay kéo dài có thể gây hậu quả gì?

Trẻ mút tay có thể xuất hiện từ tuần 15 trong thời kỳ bào thai (khi siêu âm mẹ có thể thấy được) hoặc từ lúc mới sinh cho tới lúc vào đầu thời thơ ấu. Hầu hết các trẻ sẽ ngừng thói quen này lúc 4 – 5 tuổi. Nhưng nhiều trẻ ở tuổi tiểu học vẫn giữ thói quen này, thậm chí cho tới khi đã trưởng thành và do vậy, gây ra những lệch lạc răng hàm cần phải điều trị.

Nhiều phụ huynh băn khoăn có nên cho trẻ mút tay hay không? Mút tay không phải việc xấu nếu bỏ được thói quen này trước khi mọc các răng cửa vĩnh viễn đầu tiên thì sẽ không ảnh hưởng gì đến việc mọc và sắp xếp các răng vĩnh viễn.

Nhưng nếu phụ huynh cứ để mặc thói quen này đi theo sự phát triển của trẻ, ngay cả khi các răng cửa vĩnh viễn đã xuất hiện thì sẽ gây những lệch lạc trong việc mọc răng, sắp xếp các răng hoặc cả hai. 

Phụ huynh nên tìm biện pháp hạn chế trẻ mút tay khi trẻ có dấu hiệu mọc răng vĩnh viễn.

Nếu khi trẻ 8 – 10 tuổi mới bỏ được thói quen mút tay thì cũng có những ảnh hưởng nhất định, nhưng hậu quả vẫn có thể giải quyết được bởi lúc này mức độ lệch lạc khớp cắn thường nhẹ và chậm mọc răng. 

Nhưng phụ huynh đừng vì thế mà lơ là. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Các vấn đề răng miệng ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và sức khỏe của trẻ. Chưa kể đến việc chi phí cho chăm sóc răng miệng cũng không hề thấp. Do đó mà ngay từ khi trẻ có dấu hiệu mọc răng vĩnh viễn thì phụ huynh nên tìm biện pháp hạn chế trẻ mút tay.

Khi nào mút ngón tay trở thành một vấn đề cần điều trị?

Do sự thay đổi về răng và khớp cắn rất đa dạng, nên tùy thuộc vào những đặc điểm khi trẻ mút tay (độ mạnh, tần suất, thời gian kéo dài, cách thức mút tay, vị trí ngón tay trong miệng) sẽ nhận biết được đâu là lúc trẻ cần điều trị. Trong đó, thời gian mút tay là một dữ kiện quan trọng. Nếu trẻ mút tay tối thiểu 4 – 6 giờ/ngày với lực trung bình sẽ gây nên di chuyển răng trong khi việc mút ngón tay với lực lớn nhưng không liên tục không gây di chuyển răng.

Điều trị thói quen mút ngón tay

Nếu trước 5 tuổi mà trẻ đã bỏ được thói quen này thì phụ huynh không cần thiết phải đưa trẻ đi điều trị. Nhưng nếu sau tuổi này mà trẻ vẫn còn giữ thói quen này thì phụ huynh nên cân nhắc việc đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Thời điểm thích hợp để điều trị là lúc trẻ khoảng 6 tuổi – trước khi các răng vĩnh viễn mọc.

Có nhiều phương pháp giúp trẻ chấm dứt thói quen này. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể ở mỗi bé mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Một số phương pháp có thể được sử dụng như:

Thảo luận

Thảo luận với trẻ về những tác động không tốt của việc mút tay.

Giải thích cho trẻ về những tác động không tốt của việc mút tay, về ảnh hưởng của nó đến ngón tay và hàm răng, khuôn mặt của trẻ. Có thể cho trẻ xem thêm những hình ảnh minh họa để trẻ hiểu rõ hơn. Khi trẻ hiểu ra, trẻ sẽ tự ý thức và từ bỏ thói quen không tốt này.

Nhắc nhở

Sau khi thảo luận với trẻ, nếu bạn thấy việc này vẫn tiếp tục xảy ra thì hãy nhắc nhở ngay lúc đó. Bên cạnh đó, bạn có thể dán miếng băng keo không thấm nước hoặc quấn vải vào ngón tay trẻ thường mút hay cho trẻ đeo bao tay. Bạn cũng cần giải thích cho trẻ hiểu đây không phải là hình phạt chỉ giúp trẻ bỏ thói quen xấu. Cứ duy trì thực hiện trong 6 – 8 tuần thì sẽ có cải thiện. Song song đó, bạn hãy khen thưởng kịp thời để khích lệ trẻ khi thấy trẻ có biểu hiện tốt.

Khí cụ trong miệng

Tùy theo tuổi, hệ răng và sự hợp tác của trẻ mà chọn khí cụ cố định hay tháo lắp cho phù hợp. Khi trẻ chỉ có răng sữa hay ở giai đoạn đầu của hệ răng hỗn hợp, răng vĩnh viễn chưa mọc lên hoàn toàn sẽ khó đặt móc của khí cụ tháo lắp. Khí cụ tháo lắp dễ thực hiện và điều chỉnh, tránh cho trẻ cảm giác bị trừng phạt khi phải mang hàm cố định nhưng lại phụ thuộc nhiều vào ý thức của trẻ. Các khí cụ trong miệng làm cho mút tay từ vô thức thành có ý thức giúp trẻ bỏ được mút tay, làm cho miệng không kín hơi khiến trẻ không mút tay được. Chúng còn giúp răng xếp lại đúng vị trí, trẻ có cảm giác có kết quả và thành công nên càng mong muốn bỏ mút tay.

Trong toàn bộ quá trình thay đổi thói quen của trẻ, bạn cần lưu ý là không tạo áp lực hãy làm trẻ phải lo lắng, căng thẳng, sợ hãi. Vì những điều này chỉ khiến việc mút tay trầm trọng hơn. Hãy hướng trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, các trò chơi cùng với bố mẹ để trẻ quên đi thói quen này.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *