Đặt Stent loại bỏ phình mạch não

1. Tổng quan về Đặt Stent loại bỏ phình mạch não

  • Tên khoa học:  Đặt Stent loại bỏ phình mạch não
  • Tên thường gọi: Điều trị nút tắc túi phình đặt stent đổi hướng dòng chảy

Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Phương pháp điều trị nút tắc túi phình đặt stent đổi hướng dòng chảy là kỹ thuật đường vào từ một điểm chọc động mạch đùi kích thước 2mm. Dụng cụ can thiệp được đưa vào lòng mạch máu lên tới vị trí túi phình động mạch não bằng stent đổi hướng dòng chảy – một khung kim loại có mắt lưới đủ dày – được sử dụng để lót mặt trong mạch máu, giảm tốc độ dòng máu đi vào túi phình, dẫn tới hình thành huyết khối gây tắc túi phình một cách tự nhiên. Thời gian can thiệp nhanh nhưng túi phình không bị tắc ngay tại thời điểm kết thúc can thiệp mà chỉ giảm thiểu nguy cơ vỡ. Sau vài tháng đến 1 năm (tùy thuộc kích thước), huyết khối sẽ hình thành và gây tắc túi phình một cách tự nhiên. Bệnh nhân cần được điều trị chống ngưng tập tiểu cầu trước đặt stent 5 ngày.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  •  Phình mạch não xuất huyết dưới nhện
  • Phình động mạch nội sọ chưa vỡ
  • Phình động mạch tuần hoàn sau
  • Phình động mạch cảnh trong đoạn xoang hang

Chống chỉ định:

  • Tình trạng lâm sàng không cho phép (Hunt và Hess IV – V điểm).
  • Giải phẫu mạch máu mang túi phình quá uốn khúc, quanh co không thể tiếp cận vi ống thông vào trong túi phình được.
  • Rối loạn đông máu hoặc phản ứng với heparin.
  • Nhiễm khuẩn hoạt động
  • Phản ứng với thuốc cản quang
  • Suy chức năng thận không cho phép dùng thuốc cản quang

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Góp phần điều trị triệt để các tổn thương phức tạp, cứu sống người bệnh thoát khỏi tử vong trong gang tấc và những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. 
  • Nâng cao khả năng chữa khỏi lên đến 90-95% cho các túi phình động mạch não khổng lồ, giảm nguy cơ điều trị xuống thấp <5% cho phần lớn các túi phình (tuy nhiên vẫn có một vài vùng mạch máu có nguy cơ điều trị còn cao khoảng 20%). 

Nhược điểm:

  • Đặt stent là phương pháp mới chỉ thực hiện được tại các trung tâm lớn, cần độ chính xác rất cao của phẫu thuật viên. Đặt stent lệch một vài milimet, đặt không đúng vị trí hoặc trôi stent trước, trong và sau can thiệp sẽ dẫn đến thất bại của ca can thiệp, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

4. Quy trình thực hiện – Đặt Stent loại bỏ phình mạch não

  • Bước 1: Vô cảm: Bệnh nhân được gây mê toàn thân.
  • Bước 2: Đặt ống thông dẫn đường vào động mạch cảnh trong hay động mạch sống tùy theo vị trí tổn thương.
  • Bước 3: Tiêm thuốc chống đông heparin khi chuẩn bị bắt đầu nút coil và duy trì 2500 – 3000 đơn vị/giờ để có thời gian đông máu kéo dài hơn bình thường 2 – 3 lần.
  • Bước 4: Đặt ống thông siêu nhỏ vào vị trí
  • Bước 5: Đặt coils
  • Bước 6: Đặt bóng, stent bảo vệ với túi phình có cổ rộng
  • Bước 7: Đặt stent thay đổi dòng chảy đối với túi phình khổng lồ hoặc không xác định rõ cổ: Pipeline, Retro-Pro,…

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Sau can thiệp: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, huyết động ổn định, xuất viện ngày hôm sau.
  • Trường hợp túi phình vỡ hay tắc mạch, bệnh nhân cần được điều trị tích cực và tập phục hồi chức năng.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Khó thở
  • Đau đầu dữ dội
  • Mờ mắt đột ngột
  • Rối loạn tri giác

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Nhịn ăn trước làm thủ thuật 06 giờ
  • Kiểm tra định kỳ sau 1, 3, 6, 12 tháng tính từ thời điểm can thiệp.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *