Mỡ nội tạng là gì và nguy hiểm như thế nào?

Mỡ nội tạng là kẻ thù số một tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng. Trên thực tế, dù bạn đang sở hữu một chiếc bụng phẳng thì vẫn có mỡ nội tạng.

Nhiều người cho rằng chất béo gây hại đối với sức khỏe nhưng thực ra không phải loại chất béo nào cũng xấu. Chất béo có vai trò riêng của nó. Trong cơ thể, chất béo là lớp đệm và hỗ trợ hoạt động của một số cơ quan, xây dựng các tế bào và dự trữ năng lượng. Chất béo chỉ gây nguy hiểm khi chúng quá nhiều. 

Nhắc đến việc giảm cân, chúng ta thường chỉ tập trung vào việc giảm mỡ, những phần mỡ mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy. Nhưng có một loại chất béo tiềm ẩn có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và hoạt động của bạn, đó chính là mỡ nội tạng.

Mỡ nội tạng là gì?

Mỡ nội tạng là mỡ cơ thể được dự trữ trong khoang bụng, có vị trí gần một số cơ quan quan trọng như dạ dày, đường ruột, gan. Tất cả chất béo trong cơ thể phân bổ không đều nhau. Vì vậy mà loại chất béo này còn có thể được tìm thấy ở trong các động mạch, làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến mỡ nội tạng là do chế độ nhiều carbohydrate, bên cạnh đó còn do tình trạng viêm trong cơ thể và căng thẳng mãn tính. Một chế độ ăn không lành mạnh làm tăng nguy cơ béo phì, cộng thêm căng thẳng mãn tính làm tăng tốc độ mắc bệnh bằng cách kích hoạt chất dẫn truyền thần kinh NPY và hormone cortisol, dẫn đến việc dự trữ nhiều chất béo nội tạng hơn.

Điều quan trọng là bạn cần phân biệt đâu là mỡ dưới da và đâu là mỡ nội tạng. Ví dụ như vòng bụng có thể phát triển bởi cả 2 loại mỡ. Đầu tiên là mỡ được lưu trữ dưới da, tương tự như ở cánh tay và chân, có thể dễ dàng nhìn thấy. Phần mỡ tiếp theo chính là mỡ nội tạng nằm trong khoang bụng, không dễ dàng nhìn thấy, rất khó giảm và bị loại bỏ, kể cả khi áp dụng các biện pháp y học.

Cách chẩn đoán mỡ nội tạng

Bạn có thể biết được mình đã giảm mỡ bụng khi nhìn thấy vòng bụng nhỏ đi, nhưng có thể phần mỡ bị loại bỏ là mỡ dưới da. Còn để xác định tình trạng mỡ nội tạng thì phải dùng các phương pháp chuyên sâu hơn. Cách chính xác nhất đề xác định mỡ nội tạng là xét nghiệm nghiệm hình ảnh, chẳng hạn chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, việc kiểm tra này không những tốn thời gian mà còn tốn nhiều chi phí. Vì vậy mà để xác định, bác sĩ có xu hướng đặt câu hỏi cho người bệnh về chế độ ăn uống và lối sống của họ. Bác sĩ cũng có thể đo lượng mỡ tổng thể trong cơ thể rồi từ đó tính ra tỷ lệ phần trăm mỡ nội tạng.

Theo Harvard Health, mỡ nội tạng được tính dựa trên 10% tổng lượng mỡ cơ thể của một người. Một cách khác để xác định lượng mỡ nội tạng là đo kích thước vòng eo.

Số đo vòng bụng của nữ giới 90cm có khả năng bị mỡ nội tạng.

Ví dụ, nam giới có vòng eo khoảng 95cm trở lên và phụ nữ có vòng eo khoảng 90cm trở lên có khả năng bị thừa mỡ thừa nội tạng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Ngày nay, một thiết bị khác được sử dụng rộng rãi để biết chỉ số mỡ nội tạng chính là máy quét MRI và máy phân tích mỡ cơ thể. Kết quả đo được dựa trên thang điểm từ 1 – 59. Lượng mỡ cho phép là dưới 13 trên thang điểm này. Nếu trên 13 thì bạn cần phải thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm số điểm xuống mức lành mạnh hơn.

BMI cũng là một phương pháp đánh giá lượng mỡ được sử dụng phổ biến. Nhưng chỉ riêng BMI và cân nặng thì không thể hiện được chất béo nội tạng, và đây cũng không phải là thước đo chính xác cho sức khỏe tổng thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chỉ nên sử dụng chỉ số BMI như một đánh sơ bộ, vì mỗi người có một tỷ lệ mỡ khác nhau.

Tác hại của mỡ nội tạng

Không hề đơn giản như bạn nghĩ, mỡ nội tạng tích tụ quá nhiều trong cơ thể có thể gây một số ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như:

Tăng đề kháng với insulin: Mặc dù bạn không mắc bệnh tiểu đường hay tiền tiểu đường thì bạn hoàn toàn có thể bị đề kháng với insulin khi có mỡ nội tạng. Nguyên nhân là do chất béo này tiết ra một loại protein liên kết với retinol làm tăng khả năng đề kháng insulin.

Ức chế hormone chất béo: Hormone adiponectin, hay còn gọi là “hormone chất béo”, hoạt động như một chất điều chỉnh chất béo. Khi lượng hormone này quá ít có thể khiến cơ thể dư thừa chất béo hơn mức cần thiết. Đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, như huyết áp cao, tăng cholesterol LDL và VLDL (cholesterol xấu), giảm cholesterol HDL (cholesterol tốt), và tăng triglyceride máu (chất béo tự do trong máu).

Tăng phản ứng viêm: Phản ứng viêm sẽ xuất hiện nhiều hơn khi mỡ nội tạng tăng, đặc biệt là ở gan. Điều này xảy ra khi các tế bào mỡ giải phóng các cytokine gây viêm và khiến cho bệnh trầm trọng hơn. Chất béo nội tạng cũng gây khó khăn cho cơ thể trong việc đào thải độc tố.

Xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh và luyện tập thể dục để giảm mỡ nội tạng.

Ngoài các vấn đề trên, mỡ nội tạng còn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển một số tình trạng y tế nghiêm trọng, bao gồm:

  • Đột quỵ.
  • Ung thư vú.
  • Bệnh Alzheimer.
  • Vấn đề tim mạch.
  • Tiểu đường tuýp 2.
  • Ung thư đại trực tràng.

Nguồn tham khảo: HelloBacsi

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *