Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (75g Glucose)

1. Tổng quan về Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (75g Glucose) 3 mẫu cho người bệnh thai nghén

  • Tên khoa học: Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (75g Glucose) 3 mẫu cho người bệnh thai nghén
  • Tên thường gọi: Nghiệm pháp dung nạp glucose huyết đường uống và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes) là tình trạng không dung nạp carbohydrate bắt đầu xuất hiện hoặc lần đầu được phát hiện trong quá trình có thai. Tần suất của đái tháo đường thai kỳ là khoảng 4-10% tổng số thai phụ. Đái tháo đường thai kỳ có thể gây những biến chứng cho cả mẹ, thai, trẻ sơ sinh và cả khi trẻ lớn lên. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng cho cả mẹ và con là việc làm rất quan trọng và cần thiết.

Xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống đo khả năng cơ thể sử dụng một loại đường, gọi là glucose, mà cơ thể sử dụng như nguồn năng lượng chính. Đây là một xét nghiệm chẩn đoán một thai phụ chưa từng bị đái tháo đường trước đây trong quá trình mang thai có xuất hiện đái tháo đường thai kỳ không. Đái tháo đường thai kỳ hầu như không có biểu hiện, triệu chứng gì đặc hiệu nên chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm máu.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Trong lần khám thai đầu tiên
  • Ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ. 

Nghiệm pháp có thể được chỉ định ở “tất cả các thai phụ hoặc các thai phụ có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ cao” với các đặc điểm sau:

  • Béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30
  • Tuổi trên 25
  • Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường
  • Tiền sử bản thân có đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
  • Trước đây đã sinh một bé nặng trên 4,1 kg hoặc một thai chết lưu không rõ nguyên nhân.

Chống chỉ định:

Những thai phụ đã được chẩn đoán đái tháo đường lâm sàng và có rối loạn dung nạp glucose

Chống chỉ định tạm thời

  • Những bệnh nhân có bệnh cấp tính.
  • Những người suy dinh dưỡng.
  • Những người nằm liệt giường từ 3 ngày trở lên.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật – Nghiệm pháp dung nạp glucose

Ưu điểm:

  • Giúp phát hiện tình trạng tiền đái tháo đường, đái tháo đường ở phụ nữ mang thai và người có biểu hiện kháng insulin.
  • Kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện
  • Không cần nhiều trang thiết bị hiện đại, chi phí thấp.

Nhược điểm:

  • Tốn khá nhiều thời gian, xét nghiệm có thể kéo dài đến 4 tiếng
  • Gây bất tiện cho người bệnh vì phải nhịn đói qua đêm khoảng 8 giờ đồng hồ.  Vì bất kỳ hoạt động nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ngồi yên trong suốt quá trình làm xét nghiệm. người bệnh không được ăn gì và chỉ có thể uống nước lọc cho đến khi kết thúc xét nghiệm.

4. Quy trình thực hiện – Nghiệm pháp dung nạp glucose

  • Bước 1: Lấy mẫu máu, mẫu máu đầu tiên được lấy ngay khi mới đến. Mẫu máu này được dùng để đo nồng độ đường huyết khi đói. Đây là tiêu chuẩn để so sánh với kết quả các mẫu máu sau đó.
  • Bước 2: Bệnh nhân sẽ uống một loại nước ngọt chứa hàm lượng glucose nhất định, thường là 75 hoặc 100 gram glucose.
  • Bước 3: Mẫu máu sẽ được lấy sau đó 1, 2 hoặc đôi khi là 3 tiếng. Tùy trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định lấy mẫu máu sau 30 phút, hoặc sau hơn 3 tiếng.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Người bệnh có thể sẽ cảm thấy khó nuốt loại nước ngọt xét nghiệm vì hàm lượng đường rất cao. Một số người thấy khó chịu sau khi uống và có thể nôn ra. 
  • Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch ở khuỷu tay. Khi quấn dây đàn hồi trên cánh tay để chuẩn bị lấy máu, có người cảm thấy nhói đau.
  • Có thể sẽ cảm thấy chóng mặt sau khi bị lấy máu vài lần trong một ngày. Tuy nhiên lượng máu bị lấy không đủ để gây ra thiếu máu nghiêm trọng.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Ở một số người, nồng độ đường huyết giảm xuống thấp vào giai đoạn cuối xét nghiệm. Cũng có một số người thấy có triệu chứng như hạ đường huyết mà thực tế mức đường huyết lại không thấp. Triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm cảm thấy yếu người, đói, ra mồ hôi và căng thẳng đứng ngồi không yên. 
  • Chỗ lấy máu sẽ có thể xuất hiện vết bầm nhỏ
  • Tĩnh mạch ở chỗ lấy máu có thể bị nóng đỏ, sưng tấy.
  • Chảy máu kéo dài có thể xảy ra ở các bệnh nhân bị rối loạn đông máu.

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bệnh nhân ăn uống bình thường 3 ngày trước đó.
  • Không dùng các thuốc thuộc nhóm Glucocorticoid, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta giao cảm ít nhất 3 ngày trước khi làm nghiệm pháp.
  • Trước lúc làm nghiệm pháp phải nghỉ ngơi ít nhất 30 phút. Thử nghiệm được tiến hành vào buổi sáng sau khi nhịn đói sau ăn từ 10 – 14h.
  • Tránh tập thể dục ,uống cafe, bia rượu, hút thuốc lá trong khi làm nghiệm pháp

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *