1. Tổng quan về Nội soi đại trực tràng có thể sinh thiết
- Tên khoa học: Nội soi đại trực tràng có thể sinh thiết
- Tên thường gọi: Nội soi đại trực tràng ống mềm có sinh thiết
Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Nội soi đại trực tràng là một kỹ thuật chẩn đoán dùng ống nội soi mềm cho phép bác sĩ quan sát được phía bên trong đường ruột (trực tràng, đại tràng và phần cuối của ruột non). Nội soi đại tràng giúp phát hiện những bất thường như loét, pô-líp, khối u và những vùng bị viêm hay chảy máu. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể làm sinh thiết để chẩn đoán bệnh chính xác. Tình trạng chảy máu hay một số bệnh lý khác cũng có thể chẩn đoán và điều trị qua nội soi. Nội soi đại trực tràng cũng là một phương pháp hiệu quả để tầm soát ung thư đại trực tràng, phát hiện sớm và cắt bỏ những tổn thương tiền ung thư (pô-líp) hay các khối u nhỏ trong đường ruột. Bệnh nhân sẽ được nhập viện ở khu vực lưu viện trong ngày và sẽ ra viện ngay trong ngày. Toàn bộ quá trình nội soi đại trực tràng thường kéo dài từ 30 đến 45 phút. Ống nội soi là một ống mềm và nhỏ bằng khoảng ngón tay trỏ, có chiều dài từ 120 cm – 180 cm. Một camera nhỏ được gắn ở ngay đầu ống để giúp bác sĩ quan sát và ghi hình trong lòng đại tràng.
Kỹ thuật này dùng để chẩn đoán bệnh gì?
- Viêm đại tràng
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Đau bụng, thay đổi thói quen đi đại tiện, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, sụt cân.
- Có những bất thường (như pô-líp) khi nội soi đại tràng xích-ma hay trên hình ảnh (chụp cắt lớp, cộng hưởng từ, X-quang có bơm thuốc cản quang vào đại tràng).
- Thiếu máu nhược sắc.
- Có máu trong phân, hay phân có màu đen giống như bã cà phê.
- Để theo dõi kiểm tra những người có tiền sử pô-líp hay ung thư đại tràng trước đây.
- Bị bệnh viêm đường ruột (viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn…).
- Tầm soát ung thư đại-trực tràng:
- Nội soi đại tràng được khuyến cáo theo đề xuất của Hội Ung thư Mỹ, Hội Tiêu hoá Mỹ, Ủy ban chuyên trách phòng chống bệnh tật Mỹ, Hội Nội soi tiêu hóa châu Âu, Hội Tiêu hóa châu Á – Thái Bình Dương.
- Các tổ chức trên khuyến cáo nên tiến hành khảo sát kiểm tra thường quy đối với tất cả mọi người bắt đầu từ 50 tuổi trở lên là những người có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng.
- Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao (tiền sử gia đình có bệnh ung thư, polyp đại trực tràng…) thì bác sĩ sẽ khuyên nên làm nội soi đại tràng sớm hơn và thường xuyên hơn.
Chống chỉ định:
- Không có chống chỉ định tuyệt đối
- Thận trọng khi người bệnh già yếu, người bệnh có thai hoặc các trường hợp viêm cấp nặng, có cản trở không đưa ống soi vào được.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật Nội soi đại trực tràng
Ưu điểm:
Cho phép quan sát toàn bộ mặt trong của hậu môn, trực tràng, đại tràng, giúp chẩn đoán tốt. Có thể thực hiện sinh thiết lấy bệnh phẩm hoặc điều trị đốt, cắt bỏ polyp khi có chỉ định, một phương pháp vừa giúp chẩn đoán vừa điều trị. Thời gian tiến hành khá nhanh, ít gây biến chứng, có thể thực hiện nhiều lần.
Nhược điểm:
Bệnh nhân có thể cảm nhận một vài khó chịu như chướng hơi, đầy bụng. Có thể gây tổn thương đường tiêu hóa của bệnh nhân, đòi hỏi trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ kỹ thuật viên chuyên nghiệp.
4. Quy trình thực hiện
1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án: Bệnh án có đầy đủ xét nghiệm đạt yêu cầu
2. Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tình trạng người bệnh khả năng làm nội soi đại trực tràng.
3. Thực hiện kỹ thuật
Trong thời gian làm thủ thuật, thuốc gây mê sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch để giúp bệnh nhân thư giãn và ngủ trong quá trình nội soi. Vì vậy bệnh nhân có thể sẽ không nhớ gì nhiều về thủ thuật đã diễn ra.
Bệnh nhân thường nằm nghiêng về bên trái và chân gập cao lên gần tới bụng. Đầu tiên, bác sĩ sẽ đeo găng và thăm khám hậu môn một cách nhẹ nhàng xem có gì tắc nghẽn hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi mềm và nhỏ đi qua hậu môn và di chuyển thật chậm lên đại tràng. Bác sĩ sẽ quan sát bên trong lòng đại tràng thông qua màn hình có kết nối với camera gắn ở đầu ống nội soi. Bác sĩ sẽ khảo sát toàn bộ chiều dài của đại tràng với ống nội soi đưa vào và rút ra khỏi đại tràng một cách nhẹ nhàng.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng những dụng cụ nội soi rất nhỏ như kìm sinh thiết, thòng lọng hoặc chổi quét, đi qua một kênh nhỏ bên trong ống nội soi, để lấy mẫu xét nghiệm (sinh thiết) hay cắt bỏ các tổ chức tăng sinh bất thường khác (pô-líp hay các khối u nhỏ). Ống nội soi sẽ được rút ra một cách nhẹ nhàng khỏi hậu môn và hơi sẽ thoát ra ngoài. Vùng hậu môn sẽ được vệ sinh sạch sẽ. Nếu bệnh nhân có cảm giác quặn ở vùng bụng thì việc đánh hơi sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.
Nội soi thông thường kéo dài từ 30 đến 45 phút, tuy nhiên cũng có thể lâu hơn tùy thuộc vào những gì bác sĩ phát hiện ra và xử lý trong quá trình nội soi. Sau nội soi, bệnh nhân sẽ được theo dõi từ 1 đến 2 giờ. Bệnh nhân có thể về nhà sau khi đã hoàn toàn tỉnh táo. Bệnh nhân không được lái xe hay điều khiển máy móc trong vòng 12 – 24 giờ sau khi làm thủ thuật. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết khi nào có thể ăn uống và hoạt động bình thường trở lại (phần lớn các bệnh nhân có thể ăn uống bình thường sau khi nội soi). Hãy uống thật nhiều nước để bù cho lượng nước bị mất trong quá trình chuẩn bị làm sạch đại tràng trước nội soi nhưng không được uống rượu bia. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ gây mê để biết khi nào có thể dùng lại aspirin hay các loại thuốc chống đông khác nếu bệnh nhân phải điều trị thường xuyên với các loại thuốc này.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật – Nội soi đại trực tràng
Sau nội soi, bệnh nhân có thể có cảm giác đầy hơi hoặc quặn vùng bụng do hơi và bệnh nhân sẽ cần đánh hơi ra để giảm cảm giác khó chịu.
Trong trường hợp có lấy mẫu sinh thiết hay cắt bỏ pô-líp, bệnh nhân có thể thấy những dải máu nhỏ trong phân trong vài ngày.
6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Đau bụng do co thắt: giải thích để người bệnh hợp tác, cần bơm hơi để tìm đường vào.
- Đau bụng do thủng: gửi ngoại mổ
- Chảy máu sau sinh thiết: cầm máu qua nội soi bằng dung dịch adrenaline 1% hoặc kìm cầm máu hoặc gửi ngoại khoa.
- Các biểu hiện khác: Sốt, Chóng mặt nhiều. Nôn mửa. Bụng chướng căng lên và cứng.
7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
Trước khi thực hiện kỹ thuật:
Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ gây mê:
- Có đang dùng thuốc gì hay không, ví dụ như insulin hay thuốc điều trị viêm khớp (nên hỏi bác sĩ xem thuốc nào được tiếp tục hay không được dùng vào ngày làm nội soi đại tràng).
- Có dị ứng với thuốc gì hay không, bao gồm cả với thuốc gây mê.
- Có hay bị chảy máu hoặc đang dùng aspirin hay thuốc chống đông như Heparin, Lovenox®; warfarin (Sintrom®, Coumadin®); clopidogrel (Plavix®)…
- Có chụp X-quang có bơm thuốc cản quang ba-rít vào đại tràng trong 4 ngày gần đây hay không.
- Có thai hay nghi ngờ có thai hay không.
- Ngừng uống nước từ 6 đến 8 giờ trước khi nội soi.
Nếu đại tràng của bệnh nhân chưa được làm sạch thì có thể sẽ cần thụt tháo trong vòng 30 đến 60 phút trước khi bắt đầu nội soi để làm sạch hoàn toàn đại tràng.
Bệnh nhân có thể được yêu cầu ngưng thuốc aspirin hay thuốc bổ sung sắt từ 7 đến 14 ngày trước khi nội soi đại trực tràng.
Bệnh nhân cũng sẽ được yêu cầu ký giấy cam kết xác nhận rằng đã hiểu rõ những nguy cơ có thể xảy ra trong khi nội soi đại tràng và đồng ý thực hiện thủ thuật này.
Nội soi đại trực tràng sẽ được thực hiện với gây mê toàn thân nên bệnh nhân cần phải khám tiền mê, thông thường 24 – 72 giờ trước khi tiến hành thủ thuật, và bác sĩ gây mê có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm máu.
Sau khi thực hiện kỹ thuật:
Bệnh nhân không được lái xe hay điều khiển máy móc trong vòng 12 – 24 giờ sau khi làm thủ thuật. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết khi nào có thể ăn uống và hoạt động bình thường trở lại (phần lớn các bệnh nhân có thể ăn uống bình thường sau khi nội soi)