PET/CT chẩn đoán khối u, bệnh tự kỷ với 18FDG

1. Tổng quan về PET/CT chẩn đoán khối u, bệnh tự kỷ với 18FDG

Tên khoa học: PET/CT chẩn đoán khối u, bệnh tự kỷ với 18FDG

Mô tả sơ bộ kỹ thuật 

PET/CT là sự kết hợp của 2 phương pháp PET và CT để mang lại một hình ảnh lý tưởng cho phép các bác sĩ chẩn đoán sớm, toàn diện các tổn thương bệnh lý từ đó quyết định các phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Tiêm 18FDG tĩnh mạch, dùng máy PET/CT để ghi sự hấp thu, phân bố hoạt độ phóng xạ trong cơ thể người bệnh sẽ thu được hình ảnh tổn thương u và di căn trong toàn thân có sự tăng hấp thu thuốc phóng xạ bất thường.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Đánh giá tình trạng sa sút trí tuệ: Bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu v.v…
  • Đánh giá các tình trạng rối loạn vận động: Bệnh Parkinson, liệt trên nhân tiến triển, teo đa hệ thống, v.v…
  • Đánh giá trong bệnh rối loạn tâm thần.
  • Đánh giá tưới máu não.
  • Phát hiện tổn thương não gây động kinh.
  • Chẩn đoán u não nguyên phát và di căn ung thư vào não.

Chống chỉ định:

  • Phụ nữ có thai. 
  • Phụ nữ đang cho con bú nếu cần thiết phải chụp PET/CT thì phải ngưng cho con bú trong vòng 24 giờ sau khi chụp.
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng thuốc cản quang, suy thận. Trong những trường hợp này chụp PET/CT không dùng thuốc cản quang.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật – PET/CT chẩn đoán khối u

Ưu điểm:

  • PET/CT là kỹ thuật có khả năng phát hiện sớm tế bào ung thư và tổn thương trong cơ thể ở giai đoạn tế bào và phân tử – giai đoạn sớm nhất. Bên cạnh đó, PET-CT còn có khả năng phân loại u lành hay ác tính, đánh giá tình trạng các cơ quan trong cơ thể.
  • Đánh giá chính xác hiệu quả của quá trình điều trị.
  • Phát hiện triệt để các tổn thương ung thư còn lại hay tái phát sau điều trị.
  • Định hướng cho xạ trị, đảm bảo hiệu quả cao nhất đồng thời hạn chế tối đa các tổn thương cho mô lành lân cận

Nhược điểm:

  • Chi phí mỗi lần chụp rất cao.
  • Thời gian chuẩn bị và tiến hành chụp lâu

4. Quy trình thực hiện – PET/CT chẩn đoán khối u

Bước 1: Chuẩn bị người bệnh:

  • Người bệnh được thăm khám, khai thác tiền sử bệnh, tình trạng thai nghén hay đang cho con bú, lập hồ sơ cho mỗi người bệnh.
  • Kiểm tra đường huyết trước khi tiêm 18FDG (đường huyết phải thấp hơn 150 mg/dl hoặc 8,0 mmol/l).
  • Kiểm tra chức năng thận, nếu có chỉ định sử dụng thuốc cản quang.
  • Lập đường truyền tĩnh mạch.

Bước 2: Các bước tiến hành chụp PET/CT

  • Sau khi tiêm 18FDG, người bệnh uống nhiều nước (ít nhất 1/2 lít nước) trước khi chụp hình.
  • Người bệnh nằm nghỉ tại phòng theo dõi trước khi chụp hình 45 – 60 phút, hạn chế tối đa việc đi lại, nói chuyện, vận động trước khi chụp.
  • Người bệnh đi tiểu hết trước khi chụp hình.
  • Tư thế người bệnh và chụp hình:
  • Người bệnh được đặt nằm ngửa thẳng, hai tay để xuôi dọc theo cơ thể.
  • Tiến hành Chụp CT não.
  • Tiến hành Chụp PET não.
  • Người bệnh sau khi chụp được theo dõi trong phòng chờ riêng. Bác sĩ kiểm tra lại hình ảnh thu được, bảo đảm hình ảnh thu được đã đạt yêu cầu mới cho người bệnh về.

Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Bệnh nhân sẽ cảm thấy bình thường vì không có tác dụng phụ sau khi tiêm hợp chất đánh dấu. Không hạn chế vận động sau khi chụp. Nên uống nhiều nước sau khi chụp vài giờ.

5. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Chụp PET/CT hầu như không có biến chứng ngoại trừ phản ứng dị ứng với thuốc cản quang nếu có sử dụng phối hợp khi chụp CT.  Cần báo ngay cho kỹ thuật viên khi có các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt hoặc khó thở.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Hệ thống PET/CT 128 dãy hiện đại nhất Đông Nam Á

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Người bệnh nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước khi được tiêm thuốc chụp PET và PET/CT.
  • Người bệnh hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh trong vòng 3 giờ, tránh tiếp xúc trong vòng 24 giờ với phụ nữ đang mang thai và trẻ  em.
  • Tổng thời gian chụp từ 2 – 3 tiếng. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi trước khi chụp và có người đi cùng. Người bệnh phải đến đúng giờ. Nếu muốn sắp xếp lại thời gian thì phải thông báo lại được 48 tiếng bởi vì chất phóng xạ đánh dấu rất đắt và được chụp theo thứ tự đã lập trình.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *