Phân biệt ký hiệu các loại nhựa đang có trên thị trường

Hơn 90% người dân Việt thường có thói quen tái sử dụng các loại chai/bình đựng nước nhưng lại không biết nhiều loại nhựa có khả năng gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm nếu dùng đi dùng lại nhiều lần.

Nếu bạn tinh ý quan sát, dưới đáy các loại chai nhựa thường có ký hiệu tam giác cùng một con số bất kỳ. Trên thực tế ít ai biết đến ý nghĩa của nó nhưng chúng lại rất quan trọng trong việc phân biệt các loại nhựa.

Tương ứng các con số là từ 1 đến 7 hiển thị trong tam giác, chính là ký hiệu số mô tả loại nhựa cấu thành nên một chai nhựa bất kỳ. Mỗi con số biểu thị các ý nghĩa khác nhau. Xét theo độ an toàn, nhựa được chia làm 2 loại là nhựa an toàn và nhựa không an toàn với 7 loại chính dưới đây.

Số 1 – PET (nhựa polyethylene terephthalate)

Nhựa PET, viết tắt của polyethylene terephthalate là loại nhựa được sử dụng phổ biến ở các sản phẩm gia dụng như nước ngọt, chai nước khoáng, bia và bao bì đóng gói. Đây là loại nhựa chỉ sử dụng duy nhất một lần, nếu dùng lại có thể gia tăng nguy cơ làm hòa tan các kim loại nặng và hóa chất cấu tạo nên chúng. 

Bên cạnh đó, PET khá bền về mặt hóa học ở nhiệt độ thường nhưng ở nhiệt độ cao, PET có thể sinh ra một số aldehyde và thôi nhiễm antimony. Hàm lượng các chất này tăng theo thời gian sử dụng và nhiệt độ bảo quản. Theo các nghiên cứu khuyến cáo, chỉ nên tái sử dụng vỏ chai PET ở nhiệt độ dưới 40 độ C trong thời gian ngắn và chỉ sử dụng 1 lần rồi thay mới. Đặc biệt, không sử dụng nhựa PET để đựng các thực phẩm nóng, hay cho vào lò vi sóng.

Số 2 – HDPE (nhựa high-density polyethylene)

Số 2 mang hàm nghĩa những chai nhựa này sẽ ngăn rửa trôi hóa chất và chúng an toàn để sử dụng nhiều lần. HDPE được coi là loại nhựa ít nguy hiểm. Chúng hay được sử dụng để chế tạo các loại chai nhựa đựng sữa, nước suối, nước trái cây, thuốc tẩy hay dầu gội đầu.

Chịu được nhiệt độ 110 độ C, có thể cho vào lò vi sóng ở công suất thấp (khoảng 800 W). Khi tái sử dụng cần hết sức lưu ý, vì loại nhựa này khó làm sạch, các chất còn sót lại rất dễ trở thành ổ vi khuẩn.

Nhựa số 2 là loại nhựa khá an toàn cho người sử dụng

Số 3 – PVC (nhựa polyvinyl chloride)

Loại nhựa này có thể gặp ở các sản phẩm như áo mưa, vật liệu xây dựng, mảnh nhựa hoặc hộp nhựa, màng co các loại chai, bình bằng nhựa, các loại màng plastic bọc thức ăn, chai đựng dầu ăn, đường ống dẫn nước, vỏ bọc dây cáp điện… 

Các chất phụ gia độc hại như phtalate và bisphenol A thường được sử dụng trong sản xuất nhựa PVC. Trong đó đáng chú ý nhất là Bisphenol A (BPA) chính là chất phá hủy nội tiết tố, có khả năng dẫn đến ung thư và nhiều loại bệnh lý nguy hiểm khác.

Số 4 – LDPE (nhựa low-density polyethylene)

Đây là những chai được làm từ loại nhựa an toàn nhất và có thể đảm bảo tái sử dụng nhiều lần. LDPE thuộc họ nhựa Polyethylene nhưng với mật độ thấp hơn so với HDPE. Tuy nhiên nó vẫn giữ được các đặc tính cơ bản như dẻo, dai, chống ẩm tốt.

Số 5 – PP (nhựa polypropylene)

Nhựa PP có tính bền nhiệt cao nhất trong số tất cả các loại nhựa, chúng có thể chịu được nhiệt độ từ 1300C – 1700C. Bên cạnh đó, nhựa PP khá cứng vững, không mềm dẻo như PE, không bị kéo giãn dài do đó được chế tạo thành sợi. Đặc biệt khả năng bị xé rách dễ dàng khi có một vết cắt hoặc một vết thủng nhỏ.

Hạt nhựa PP khi được đốt cháy sẽ có ngọn lửa màu xanh nhạt, có dòng chảy dẻo và có mùi gần giống cao su. Vậy nên, khi quay những sản phẩm làm từ nhựa PP trong lò vi sóng, bạn chỉ nên quay từ 2-3 phút, không nên quay quá lâu.

PP là loại nhựa được các chuyên gia khuyên sử dụng, vì đặc điểm trơ hóa học, độ bền cơ học và độ bền nhiệt cao và rất an toàn sức khỏe. Đây là loại nhựa an toàn cho thực phẩm và đồ uống, có thể tái sử dụng nhiều lần.

Số 6 – PS/PS-E (nhựa polystyrene/expanded polystyrene)

Nhựa PS (Polystyrene) là loại nhựa rẻ và nhẹ. Có thể tìm thấy trên vỏ một số hộp đựng đồ ăn nhanh, cốc uống nước, hộp đựng trứng và dao đĩa thìa picnic.

Nhựa này từ lâu được cho là không an toàn khi sử dụng đóng gói thực phẩm do tính kém bền vật lý và hóa học. Năm 2002, WHO đã nâng mức cảnh báo của styrene lên nhóm 2B (nhóm có thể gây ung thư cho người) – thành phần dễ bị thôi nhiễm từ nhựa PS.

Dù nhựa này có khả năng chịu nhiệt và lạnh đáng kể nhưng ở nhiệt độ cao như lò vi sóng chúng có thể giải phóng các chất độc hại. Ngoài ra, bạn không nên dùng nhựa này đựng đồ có chất acid mạnh và chất kiềm mạnh, không dùng để đựng thức ăn lâu dài.

Bảng tóm tắt ý nghĩa các loại nhựa và ứng dụng trong cuộc sống

Số 7 – Các loại nhựa khác

Những chai nước lớn, chai đựng nước trái cây, chai đựng nước sốt cà chua, mắt kính, DVD, đĩa Blu-ray, nhiều vật dụng nhà cửa, xe hơi…

Nhựa số 7 bao gồm nhựa PC (Polycarbonate) và các loại nhựa khác (other). Nhựa PC là loại nhựa cực kỳ độc hại, rẻ tiền. Bisphenol A là một chất phá hoại nội tiết trên cơ thể người, có thể dẫn đến bệnh ung thư và rất nhiều bệnh khác.

Nhựa số 7 thường dùng để sản xuất: bình đựng nước, các thùng nhựa đựng hóa chất.. Hoặc các hộp đựng thức ăn như sữa chua, hộp mì, hộp nhựa đựng bơ…Đáng chú ý nhất trong nhóm này một số loại có chứa Bisphenol A (BPA) là loại chất độc hại dùng để sản xuất nhựa.

Nhựa số 7 đại diện cho ký hiệu các loại nhựa không an toàn sức khỏe, độc hại. Đặc biệt khi đựng đồ nóng có khả năng thôi nhiễm vào thức ăn rất nguy hiểm.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *