Nằm than sau sinh là một phong tục tồn tại từ lâu đời và được nhiều gia đình duy trì cho đến nay. Vậy việc hơ than như vậy có tốt cho người mẹ sau sinh không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Cho người mẹ sau khi sinh nằm than là một tập tục đã tồn tại từ lâu đời. Cho đến nay, vẫn nhiều gia đình duy trì việc hơ lửa sau sinh gây khá nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề sức khỏe. Vậy việc cho mẹ nằm than sau sinh có tốt không? Sau đây chính là câu trả lời dành cho bạn.
Nguồn gốc của tập tục nằm than sau sinh
Máu là chất dịch lưu thông khắp mọi bộ phận và cơ quan trong cơ thể, có nhiều chức năng quan trọng như cung cấp oxy, dưỡng chất và điều hòa thân nhiệt. Khi chuyển dạ sinh con, người mẹ thường mất một lượng mái nhất định. Trung bình lượng máu mất đi là khoảng 300ml, nhưng có người thậm chí còn mất đến 500ml máu khi sinh nở. Chính vì lượng máu mất đi quá lớn, mô không được cung cấp chất dinh dưỡng và bị mất nhiệt.
Nằm than sau sinh là một phong tục phổ biến tại các tỉnh thành ở miền bắc và miền trung Việt Nam, nơi có khí hậu lạnh giá vào mùa đông. Mục đích của việc này là giữ ấm cơ thể của người mẹ để bù đắp cho việc mất nhiệt do mất máu khi sinh. Đồng thời, hơi nóng khi hơ than cũng giúp làm giảm mùi tanh của máu và sản dịch.
Bên cạnh đó, người mẹ thời bấy giờ phải ở cữ trong một căn nhà tạm không chắn được khí lạnh từ bên ngoài tràn vào. Thời xưa cũng không có các thiết bị hiện đại như điều hòa hay lò sưởi, do đó gia đình thường đốt bếp hơ than để giúp làm ấm cơ thể cho mẹ và bé không bị nhiễm lạnh.
Nguy cơ từ việc hơ than cho mẹ và bé sau sinh
Tục nằm than sau sinh từ xưa xuất hiện là do điều kiện thời bấy giờ không tốt như hiện nay. Nếu có thể, không nên cho mẹ và bé hơ than bếp lửa để tránh những nguy cơ bao gồm:
- Ngộ độc khí: Than khi được đốt lên sẽ sản sinh ra hai loại khí: CO và CO2. Chúng là loại khí có thể gây ngạt và gây ngộ độc, nhẹ thì suy hô hấp, viêm phổi, nặng thì khiến bé ngạt thở hay thậm chí là tử vong.
- Gây bỏng: Bếp than được đặt dưới giường có thế tiềm ẩn nguy cơ gây bỏng cho mẹ và bé. Đặc biệt là trẻ sơ sinh có làn da mỏng và nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương và bỏng do nhiệt độ cao từ bếp than.
- Gây hỏa hoạn: Bếp than đặt dưới giường gỗ và nệm cao su tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rất cao.
- Gây sốc nhiệt: Bếp than tỏa ra nhiệt độ không đồng đều có thể khiến mẹ và bé cảm thấy mệt mỏi.
- Thiếu vệ sinh: Nhiệt độ cao khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi kết hợp với tro than trong không khí gây bám bẩn trên da bé. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh còn phải kiêng tắm rửa nên sẽ dễ gặp phải vấn đề về da như: hăm, rôm sảy, ngứa ngáy. Trường hợp nặng còn bị nhiễm trùng da, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.
Biện pháp giữ ấm thay thế việc nằm than
Tục nằm than sau sinh thực chất chỉ để giữ ấm cho cơ thể mẹ và bé. Vối sự tiến bộ của khoa học, chúng ta có thể làm ấm bằng những biện pháp an toàn và tiện lợi hơn như:
- Cho mẹ và bé nằm trong phòng kín gió.
- Tùy vào khí hậu của từng vùng mà người mẹ có thể cần mặc đồ ấm hoặc không. Trang phục giữ ấm bao gồm: áo ấm, tất chân, găng tay và khăn choàng cổ.
- Sử dụng các thiết bị hiệu đại như lò sưởi điện hay máy điều hòa.
- Giữ ấm cơ thể bằng các phương pháp như xông hơ, xoa bóp bằng dầu, rượu gừng hoặc rượu nghệ.
- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tắm gội bằng nước ấm để làm sạch cơ thể và lau khô ngay sau khi tắm.
- Vận động sớm sau sinh để cơ thể sinh nhiệt và giúp máu huyết lưu thông tốt hơn.
Nhìn chung, tục nằm than sau sinh chỉ phù hợp với điều kiện sinh nở thời xưa khi khoa học còn lạc hậu. Nếu có thể thì nên áp dụng những biện pháp giữ ấm khác an toàn hơn để tránh những rủi về sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Nguồn tham khảo: HelloBacsi
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.