Sửa van hai lá qua đường ống thông (Mitra clip)

1. Tổng quan về Sửa van hai lá qua đường ống thông (Mitra clip)

  • Tên khoa học: Sửa van hai lá qua đường ống thông (Mitra clip)
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Kỹ thuật sửa van hai lá qua đường ống thông (Mitraclip) là phương pháp được chỉ định thường quy tại nhiều trung tâm tim mạch hàng đầu thế giới. Sửa van hai lá qua đường ống thông hay còn gọi là kỹ thuật Mitraclip là phương pháp mới nhất hiện nay để điều trị hở van 2 lá cho bệnh nhân, đây là phương pháp sử dụng thiết bị gọi là mitra clip được đưa vào vị trí van 2 lá bị hở của bệnh nhân thông qua đường mạch máu, thiết bị này sẽ kẹp 2 lá van của van 2 lá bị hở tạo nên lỗ van 2 lá như hình số 8, giúp giảm đáng kể mức độ hở van 2 lá, giảm dòng máu phụt ngược qua van 2 lá trong thì tâm thu từ đó giảm triệu chứng và cải thiện suy tim cho bệnh nhân. Kỹ thuật này được áp dụng cho các trường hợp hở van 2 lá từ vừa đến nhiều, mức độ 3+ trở lên trên siêu âm tim, có triệu chứng lâm sàng và thỏa mãn các điều kiện về mặt kỹ thuật ( như không có đứt dây chằng van tim, vị trí các lá van thích hợp..)

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Người bệnh bị HoHL do bệnh lý thoái hóa (sa van hai lá) hoặc HoHL cơ năng nặng do giãn vòng van hai lá sau các bệnh lý khác (sau nhồi máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ…)
  • Những người bệnh có chỉ định nhóm I phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá, theo khuyến cáo năm 2014 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ / Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ACC 2014), bao gồm:
    • Hở van hai lá (3+) hoặc (4+), có triệu chứng, EF > 30%, và/hoặc đường kính thất trái cuối tâm thu (Ds) ≤ 55 mm
    • Hở van hai lá (3+) hoặc (4+), không triệu chứng, nhưng có ít nhất một trong số những dấu hiệu sau đây:
      • EF 25-60%
      • Đường kính thất trái cuối tâm thu ≥ 40 mm
      • Tăng áp lực động mạch phổi
      • Rung nhĩ
  • Hình thái van hai lá phù hợp với kỹ thuật kẹp van hai lá: Sa van vùng giữa (A2, P2) với khoảng cách cho phép (< 2cm) hoặc giãn vòng van gây hở van mà khoảng cách giữa hai lá van khi đóng toàn bộ còn chạm nhau.
  • Người bệnh không thể phẫu thuật / phẫu thuật nguy cơ cao / từ chối phẫu thuật

Chống chỉ định:

  • HoHL do các nguyên nhân khác (thấp tim; viêm nội tâm mạc…).
  • Nhồi máu cơ tim trong vòng 12 tuần.
  • Cần can thiệp phẫu thuật một tổn thương khác ở tim (như làm cầu nối chủ vành, thay van động mạch chủ…),
  • Suy thận
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
  • Hình thái van hai lá không phù hợp với kỹ thuật kẹp van hai lá

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Đây là biện pháp lựa chọn thay thế khi người bệnh có nguy cơ phẫu thuật cao – ưu việt hơn so với phương pháp sửa/thay van hai lá truyền thống.
  • Khả năng thành công cao đến 95%, giảm nguy cơ biến chứng mạch máu, các tai biến và suy thận cấp sau thủ thuật.
  • Thời gian phục hồi nhanh hơn so với mổ mở.

Nhược điểm:

  • Đòi hỏi bác sĩ tay nghề cao, thiết bị hiện đại cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn của đội ngũ các bác sĩ lâm sàng tim mạch, siêu âm tim, tim mạch can thiệp, gây mê hồi sức và phẫu thuật tim mạch.
  • Chi phí thực hiện cao.

4. Quy trình thực hiện Sửa van hai lá (Mitra clip)

Bước 1: Chuẩn bị người bệnh

  • Người bệnh được đánh giá trước thủ thuật bằng siêu âm tim qua thành ngực và siêu âm tim qua thực quản, để khẳng định chẩn đoán và hình thái van tim phù hợp với kỹ thuật sửa van hai lá qua đường ống thông.
  • Được giải thích kỹ về thủ thuật (kỹ thuật, kết quả, các biến chứng có thể gặp) và đồng ý làm thủ thuật.

Bước 2: Tiến hành:

  • Người bệnh được gây mê nội khí quản (theo quy trình gây mê nội khí quản).
  • Bác sĩ siêu âm đặt đầu dò siêu âm qua thực quản, kiểm tra lại hình thái và cấu trúc van hai lá phù hợp với thủ thuật.
  • Mở đường vào tĩnh mạch đùi phải; một động mạch đùi phải hoặc trái (để theo dõi).
  • Qua đường tĩnh mạch đùi phải, tiến hành chọc vách liên nhĩ dưới hướng dẫn của siêu âm tim qua thực quản và màn huỳnh quang tăng sáng (theo quy trình chọc vách liên nhĩ).
  • Qua vị trí chọc vách liên nhĩ, đưa ống thông can thiệp kích cỡ 24F từ buồng nhĩ phải sang buồng nhĩ trái.
  • Qua ống thông can thiệp, đẩy dụng cụ MitraClip qua buồng nhĩ trái, xuống vị trí van hai lá
  • Điều khiển dụng cụ MitraClip dưới hướng dẫn của siêu âm qua thực quản, đảm bảo dụng cụ nằm vuông góc với hai mép van và đồng trục với dòng hở hai lá.
  • Đẩy dụng cụ MitraClip qua van hai lá xuống buồng thất trái.
  • Mở hai cánh dụng cụ của ghim kẹp hai mép van hai lá dưới hướng dẫn siêu âm tim.
  • Đánh giá lại mức độ hở van hai lá và hẹp van hai lá, chênh áp qua van hai lá bằng siêu âm tim qua thực quản.
  • Khi điều khiển đạt yêu cầu, 2 cánh của ghim kẹp vuông góc với trục dọc lỗ van, vị trí chính giữa (hoặc sát với chỗ dòng hở lớn nhất), thì tiến hành đóng hai cánh dụng cụ để kẹp ghim 2 mép van lại (lúc này ghim vẫn đính với ống thông).
  • Kiểm tra siêu âm qua thực quản, nếu mức độ HoHL giảm đáng kể (ít nhất 2 độ và không gây hẹp van đáng kể): tiến hành tháo ống thông khỏi ghim kẹp để lại ghim đã kẹp chặt hai mép van hai lá
  • Kiểm tra siêu âm tim, nếu còn hở nhiều, có thể thả thêm 1 hoặc 2 ghim kẹp nữa
  • Rút dụng cụ MitraClip và ống thông can thiệp
  • Đóng tĩnh mạch bằng dụng cụ Perclose
  • Người bệnh được đánh giá xét rút nội khí quản sớm (tại phòng can thiệp hoặc đơn vị cấp cứu tim mạch)

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Nhờ phương pháp điều trị bệnh cơ tim giãn bằng phương pháp Mitra Clip, người bệnh không cần trải qua một cuộc phẫu thuật, thời gian phục hồi nhanh chỉ khoảng 3 ngày nên sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Hô hấp không ổn định
  • Chảy máu, phình, giả phình, máu tụ
  • Nhiễm trùng

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Người bệnh nhịn ăn uống trước thủ thuật ít nhất 8 giờ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *