Vitamin B3 có rất nhiều vai trò đối với cơ thể mà nếu thiếu hay thừa cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vậy những vai trò đó là gì? Hàm lượng chính xác cần cung cấp mỗi ngày là bao nhiêu?
Cũng như các loại vitamin khác, vitamin B3 là một loại chất vô cùng cần thiết đối với sức khỏe của con người. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về tác dụng của loại vitamin này. Mời các bạn cùng theo dõi.
Tìm hiểu về vitamin B3
Vitamin B3 hay còn gọi là niacin hay vitamin PP là một chất không màu, tan trong nước và alcohol. Đây được coi là một loại vitamin có tính ổn định cao do hầu như không bị biến đổi bởi quá trình oxy hóa, bền vững với nhiệt độ, ánh sáng cũng như môi trường kiềm.
Vitamin B3 có 2 hoạt chất chính là acid nicotinic ( niacin) và nicotinamide – đây là dạng amide của acid nicotinic.
Thức ăn là nguồn bổ sung vitamin B3 chủ yếu trong cơ thể. Vitamin B3 có nhiều trong một số thực phẩm như: gan động vật, các loại thịt, cá, các loại đậu, nấm, và một số loại rau như bông cải xanh, măng tây, cải bó xôi,…
Vai trò của vitamin B3
Vitamin B3 tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể, có thể kể đến như:
- Vitamin B3 giúp bảo vệ tim mạch do có vai trò trong việc kiểm soát hoạt động của cholesterol giúp tăng cường lưu thông máu và hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch.
- Tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất đạm, đường, béo sinh năng lượng cho cơ thể.
- Vitamin B3 tham vào quá trình kiểm soát lượng HbA1c, từ đó giúp cơ thể ngăn chặn khỏi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Giúp bảo vệ khớp, tăng cường sự linh hoạt của khớp cũng như giảm bớt các biến chứng của viêm khớp.
- Giúp hệ tiêu hóa ổn định, kích thích thèm ăn.
- Giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn tâm lí như căng thẳng, lo âu, trầm cảm,…
- Đối với phụ nữ mang thai, vitamin B3 là chất quan trọng đảm bảo cho thai nhi phát triển bình thường, ngăn ngừa dị tật thai nhi. Bên cạnh đó, nó cũng giúp giảm bớt các triệu chứng ốm nghén của người mẹ trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kì.
- Giúp làm đẹp da, tăng cường độ ẩm và hỗ trợ điều trị mụn trứng cá do tăng cường hàng rào bảo vệ da, giúp kiểm soát tốt bã nhờn và tăng cường khả năng chống oxy hóa trên da.
Liều lượng hàng ngày của vitamin B3
Theo dinh dưỡng khuyến nghị, nhu cầu vitamin B3 cho từng đối tượng cụ thể như sau:
- Trẻ 6 – 12 tháng: 5 mg/ngày
- Trẻ 1 – 2 tuổi: 7 mg/ngày
- Trẻ 2 – 5 tuổi: 9 mg/ngày
- Trẻ 6 – 9 tuổi: 12 mg/ngày
- Trẻ 10 – 13 tuổi: 14 – 16 mg/ngày
- Nữ giới trên 14 tuổi: 15 mg/ngày
- Nam giới trên 14 tuổi: 19 mg/ngày
- Phụ nữ có thai: 17 mg/ngày
- Bà mẹ đang cho con bú: 20 mg/ngày
Tùy vào nhu cầu vitamin B3 của từng đối tượng để có kế hoạch bổ sung cụ thể, tránh bổ sung thiếu hoặc thừa sẽ đều gây nên những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe.
Tác hại khi thiếu vitamin B3
Thông thường, một chế độ ăn đầy đủ và cân bằng giữa các nhóm thực phẩm đã giúp cơ thể bổ sung lượng vitamin B3 cần thiết hàng ngày. Tuy nhiên, đối với những người có điều kiện kinh tế kém, nghiện rượu hay gặp các vấn đề về tiêu hóa như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy kéo dài, ung thư,… thì việc thiếu vitamin B3 cũng như các loại vitamin khác rất có thể xảy ra.
Bệnh Pellagra là tình trạng bệnh lí điển hình của việc thiếu hụt trầm trọng vitamin B3. Bệnh đặc trưng bởi 3 triệu chứng:
- Rối loạn tiêu hóa: thường xuất hiện sớm và đầu tiên với các biểu hiện như viêm niêm mạc miệng và đường tiêu hóa, viêm dạ dày, tiêu chảy và chảy máu trực tràng.
- Viêm da: thường xuất hiện vào mùa hè, ở các khu vực thường xuyên tiếp xúc với không khí hoặc cọ xát nhiều như mặt, cổ, mu bàn tay chân. Biểu hiện với các rát đỏ đối xứng, mụn nước, khô da và bong vảy.
- Rối loạn tâm thần: ở mức độ nhẹ, bệnh có các biểu hiện như dị cảm, thường xuyên căng thẳng, lo âu, ngủ không ngon giấc. Nặng hơn, bệnh có thể dẫn đến các tình trạng mê sảng, lú lẫn, ảo giác hay trầm cảm.
Tác hại khi thừa vitamin B3
Thừa vitamin B3 thường ít gặp trên lâm sàng do đây một loại vitamin tan trong nước, lượng dư thừa hầu như được đào thải hết ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, một số biểu hiện dư thừa cũng có thể gặp phải khi bổ sung lượng quá cao, trên 3g vitamin B3/ngày như:
- Chóng mặt.
- Loạn nhịp tim.
- Ngứa da, đỏ da.
- Đau bụng, buồn nôn, ói mửa.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, liều cao vitamin B3 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan, bệnh gout, tiểu đường và đột quỵ.
Do vậy, việc bổ sung vitamin B3 cần hết sức cẩn thận, tốt nhất, nên tuân thú đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng.
Vitamin B3 có nhiều đóng góp quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cũng như đảm bảo sự phát triển bình thường của cơ thể. Bài viết trên đây hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về sự cần thiết của loại vitamin này. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.