Viêm não Nhật Bản có bị lây không và xử trí thế nào khi mắc bệnh?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Vậy, viêm não Nhật Bản có lây không và nên xử trí thế nào khi mắc bệnh để hạn chế những hậu quả mà bệnh mang lại?

Viêm não Nhật Bản xuất hiện nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc, tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều cây ăn quả và nuôi lợn. Bệnh do virus viêm não Nhật Bản gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, để lại nhiều di chứng và thậm chí gây tử vong cho con người. Cùng tìm hiểu sâu hơn căn bệnh này qua bài viết dưới đây các bạn nhé.

1. Viêm não Nhật Bản có bị lây không?

Nguồn truyền nhiễm viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài chim và một số loài bò sát. Đối với môi trường gần người, lợn là nguồn truyền nhiễm lớn nhất do dễ bị nhiễm virus và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là “viêm não Nhật Bản có bị lây không?”. Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh không lây từ súc vật qua người và cũng không lây từ người sang người mà được truyền qua đường trung gian là muỗi đốt. Cụ thể, muỗi Culex tritaeniorhynchus hút máu động vật bị nhiễm virus rồi lại đốt và truyền bệnh cho người.

2. Các giai đoạn bệnh viêm não Nhật Bản

Sau khi bị nhiễm virus, người bệnh sẽ phải trải qua 3 giai đoạn như sau:

Bệnh viêm não Nhật Bản không lây từ người qua người hoặc từ súc vật qua người.

Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 5 – 14 ngày, bệnh nhân chưa có biểu hiện gì lạ.

Giai đoạn khởi phát: Bệnh nhân có các biểu hiện sốt cao từ 39 – 40 độ C. Bệnh viêm não Nhật Bản thường xảy ra đột ngột, trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê, diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân còn có các triệu chứng của viêm não Nhật Bản như rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn. Ở một số trường hợp, ngoài sốt cao có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn.

Giai đoạn toàn phát: Là giai đoạn virus xâm nhập vào tế bào não tuỷ và huỷ hoại các tế bào thần kinh. Lúc này các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản, mạch thường nhanh và yếu bắt đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn. Giai đoạn này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Những bệnh nhân vượt qua được giai đoạn này thì tiên lượng tốt hơn.

Giai đoạn lui bệnh: Bước sang tuần thứ 2, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân dần được cải thiện, thân nhiệt giảm từ sốt cao thành sốt nhẹ và trở về bình thường ở ngày thứ 10 trở đi nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân tỉnh lại và hết nôn, đau đầu, co cứng cơ…

3. Xử lý kịp thời khi bị viêm não Nhật Bản

Nguyên tắc buộc phải tuân thủ là ngay khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, người nhà cần đưa bệnh nhân viêm não Nhật Bản đến các bệnh viện để điều trị. Đặc biệt, cần cấp cứu nhanh nếu trẻ có các biểu hiện như sốt cao quá 12 giờ liên tục hoặc có các dấu hiệu như nôn, cứng gáy, rối loạn ý thức…

Nếu nghi ngờ trẻ bị viêm não Nhật Bản, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Việc nhập viện sớm hay muộn đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng mắc phải sau khi trẻ bị viêm não Nhật Bản.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *