Hồng ban đa dạng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Hồng ban đa dạng

Hồng ban đa dạng là tình trạng bệnh lý về da với các biểu hiện cấp tính trên da như các thương tổn dát đỏ, sẩn phù, mụn nước, bọng nước xen kẽ với các thương tổn hình bia bắn.

Vị trí hay gặp khi mắc bệnh hồng ban đa dạng là mu bàn tay, cổ tay, cẳng tay, cẳng chân và đầu gối. Niêm mạc miệng, mắt, sinh dục cũng thường bị tổn thương. Sự đa dạng về thương tổn kèm theo hình ảnh đặc trưng (hình bia bắn) là nét riêng biệt của bệnh lý này. 

Nguyên nhân bệnh Hồng ban đa dạng

Hồng ban đa dạng là một hội chứng phức hợp do nhiều nguyên nhân gây nên, bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Liên quan tới khoảng 90% trường hợp hồng ban đa dạng, trong đó Herpes simplex virus được chứng minh là một nhiễm trùng hay gặp nhất gây nên hồng ban đa dạng. Ngoài ra, Mycoplasma pneumoniae, Histoplasma capsulatum và Parapoxvirus cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây nên hồng ban đa dạng, tuy nhiên ít phổ biến hơn so với Herpes simplex virus.
  • Thuốc: Hồng ban đa dạng gây ra do thuốc chiếm tỷ lệ rất nhỏ dưới 10%. Các thuốc thường gây bệnh hồng ban đa dạng là barbiturate, thuốc chống viêm không steroid, penicillin, sulphonamide, phenothiazin, và thuốc chống co giật. Tuy nhiên, cần phân biệt hồng ban đa dạng do thuốc với các dị ứng thuốc khác như hội chứng Steven-Johnson, phát ban do thuốc dạng hồng ban đa dạng, mày đay,…
  • Các bệnh hệ thống: bệnh viêm ruột kết, lupus ban đỏ hệ thống,… cũng là nguyên nhân gây nên bệnh lý hồng ban đa dạng.

Một số yếu tố như chấn thương, thời tiết lạnh, tia cực tím, tia phóng xạ… cũng được ghi nhận là yếu tố khởi phát những đợt tiến triển của bệnh. 

Triệu chứng bệnh Hồng ban đa dạng

Hồng ban đa dạng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh nhân khi bị hồng ban đa dạng thường xuất hiện rất nhiều tổn thương trên da. Các tổn thương da này với số lượng từ ít tới hàng trăm xuất hiện trong vòng 24 giờ.

  • Vị trí đầu tiên thường là mu bàn tay, mu bàn chân, sau đó lan rộng dọc theo các chi tới thân mình. Chi trên hay bị hơn chi dưới. Lòng bàn tay, lòng bàn chân có thể bị ảnh hưởng, cùng với mặt, cổ. 
  • Thương tổn da thường tập trung thành đám ở khủy tay và đầu gối. Thường có ngứa nhẹ hoặc rát bỏng.
  • Thương tổn đầu tiên là các dát màu đỏ hoặc hồng, hình tròn, ranh giới rõ, sau dày lên tạo thành các sẩn sờ được, có thể kết hợp với nhau thành các mảng vài cm đường kính. Trung tâm của sẩn tối màu hơn, có thể hình thành bọng nước hoặc vảy tiết. Thương tổn tiến triển trên 72 giờ.

Hồng ban đa dạng được chia thành 2 thể: nhẹ (minor) và nặng (majeur). 

  • Hồng ban đa dạng thể nhẹ ít khi có triệu chứng toàn thân.
  • Hồng ban đa dạng thể nặng có thể khởi phát với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau khớp.

Hồng ban đa dạng có các tổn thương với hình ảnh đặc trưng là hình bia bắn, gồm 2 loại là Tổn thương hình bia bắn điển hình và hình bia bắn không điển hình, chúng thường xen kẽ nhau: 

  • Thương tổn hình bia bắn điển hình: có ba vòng tròn đồng tâm ranh giới rõ với ba vùng màu sắc khác nhau:
    • Trung tâm có màu đỏ sẫm với mụn nước hoặc vảy tiết.
    • Vòng giữa có màu hồng nhẹ, phù nề.
    • Vòng ngoài cùng có màu đỏ tươi.
  • Thương tổn hình bia bắn không điển hình chỉ có 2 vòng tròn đồng tâm.

Dựa vào tình trạng tổn thương trên da, hồng ban đa dạng còn được chia làm 2 thể:

  • Hồng ban đa dạng có dát sẩn.
  • Hồng ban đa dạng có bọng nước.

 Khi bị hồng ban đa dạng thường không có phù nề mặt, phù bàn tay hoặc bàn chân, tuy nhiên môi thường sưng nhẹ, đặc biệt là trong hồng ban đa dạng thể nặng.

 Thương tổn niêm mạc chủ yếu gặp ở hồng ban đa dạng thể nặng, thường xuất hiện ít ngày sau khi có thương tổn da với các biểu hiện bao gồm sưng nề đỏ và hình thành mọng nước, nhưng nhanh chóng dập vỡ tạo thành các vết xước và vết loét, trong đó niêm mạc miệng, mặt trong của má, lưỡi hay có thương tổn nhất. Ngoài ra các niêm mạc mắt, hậu môn và sinh dục, khí quản, phế quản, ống tiêu hóa cũng có thể bị ảnh hưởng. 

Đối với hồng ban đa dạng do mycoplasma, niêm mạc có thể là vị trí duy nhất bị ảnh hưởng, bệnh thường nặng và người bệnh phải nhập viện.  

Nếu tiến triển nặng, hình thể bọng nước chuyển sang hội chứng Stevens-Johnson.

Đường lây truyền

Bệnh hồng ban đa dạng có lây không” đây là câu hỏi luôn được quan tâm của những người tiếp xúc với bệnh nhân bị hồng ban đa dạng. Bệnh lý này rất hiếm khi lây truyền từ người sang người và gần như là không lây. Do vậy không nên xa lánh hay kỳ thị những bệnh nhân bị mắc bệnh lý này.

Đối tượng nguy cơ

Hồng ban đa dạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả nam và nữ. Tuy nhiên độ tuổi hay gặp nhất là những người trẻ từ 20 đến 40 tuổi, nam thường gặp nhiều hơn nữ.

Phòng ngừa

Tùy theo cơ địa bệnh nhân mà kê đơn thuốc phù hợp, tránh sử dụng những thuốc dễ gây hồng ban đa dạng cho bệnh nhân.

Trước khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, các bác sĩ cần hỏi rõ tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân để hạn chế tối đa các phản ứng bất thường có thể xảy ra cho bệnh nhân như dị ứng, hồng ban đa dạng,…

Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ.

Khi mắc các bệnh hệ thống như lupus ban đỏ cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời để tránh bị bệnh lý hồng ban đa dạng. 

Hồng ban đa dạng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán

  • Sinh thiết da: Hình ảnh mô bệnh học của hồng ban đa dạng không đặc hiệu để phục vụ cho chẩn đoán xác định, nhưng có giá trị để chẩn đoán phân biệt. Biểu hiện sớm nhất trên hình ảnh giải phẫu bệnh là sự chết theo chương trình của các tế bào này. Tiếp theo là hiện tượng phù nề lớp gai và hiện tượng thoái hóa từng điểm của các tế bào đáy. 
  • Các xét nghiệm phát hiện căn nguyên do vi sinh vật Test nhanh chẩn đoán nhiễm Mycoplasma pneumoniae, PCR tìm Mycoplasma pneumonie hoặc PCR tìm HSV, ….
  • Các xét nghiệm phát hiện căn nguyên do thuốc: test áp, test lẩy da, phản ứng chuyển dạng lympho bào. 
  • Chẩn đoán xác định hồng ban đa dạng chủ yếu là dựa vào hình ảnh lâm sàng với các đặc điểm:
    • Khởi phát bệnh đột ngột. 
    • Thương tổn da đa dạng: hình bia bắn điển hình hoặc không điển hình, kèm theo có dát đỏ, sẩn phù, mụn nước, một số ít có bọng nước. 
    • Thương tổn niêm mạc có thể gặp là những vết trợt nông. Vị trí hay gặp là niêm mạc miệng. 
    • Tiến triển: khỏi sau vài tuần, không để lại sẹo. 
    • Bệnh hay gặp và tái phát vào mùa xuân, thu.

Các biện pháp điều trị

Điều trị hồng ban đa dạng tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh.

 Điều trị triệu chứng: Giai đoạn cấp tính, hầu hết bệnh tự khỏi, điều trị triệu chứng là chính. 

  • Bôi corticoid tại tổn thương. 
  • Kết hợp với uống kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chăm sóc vết trợt ở niêm mạc miệng bằng bôi corticoid tại chỗ mỗi ngày 2- 3 lần kết hợp với súc miệng bằng dung dịch có chứa lidocain và diphenhydramin. 
  • Nếu bệnh nhân có tổn thương niêm mạc mắt, dùng thuốc nhỏ mắt hàng ngày, trường hợp nặng cần chuyển khám chuyên khoa mắt.

Điều trị theo nguyên nhân

  • Ở bệnh nhân hồng ban đa dạng do thuốc: 

Dừng ngay việc dùng thuốc. 

Corticoid đường toàn thân và thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ.

  • Ở bệnh nhân hồng ban đa dạng do HSV: 

Nếu số lần tái phát dưới 6 lần/năm: điều trị triệu chứng.

Nếu số lần tái phát trên 6 lần/năm: điều trị triệu chứng kết hợp với thuốc kháng virus.

Nếu nghi ngờ do Mycoplasma pneumonia (bệnh nhân có viêm phổi trước đó hoặc xét nghiệm huyết thanh dương tính), điều trị bằng kháng sinh.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *