Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Tắc ống dẫn trứng

Ống dẫn trứng là một ống cơ có kích thước như sợi tóc, nối buồng trứng và tử cung. Ống dẫn trứng hoạt động theo cả 2 chiều: đưa trứng di chuyển từ buồng trứng đến tử cung, đồng thời giúp tinh trùng di chuyển từ tử cung đến gặp trứng và thụ tinh. Chính vì vậy ống dẫn trứng đóng vai trò quan trọng trong quá trình mang thai. Nếu bất cứ phần nào của ống dẫn trứng bị tổn thương, có thể do phẫu thuật hoặc nhiễm trùng, ống dẫn trứng có thể bị tắc.

Tắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân gây ra vô sinh ở phụ nữ. Bệnh thường không có triệu chứng, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh. Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị sớm, bệnh nhân hoàn toàn có thể mang thai trở lại.

Tắc ống dẫn trứng được phân loại thành nhiều dạng dựa vào vị trí và nguyên nhân gây tắc như:

  • Hydrosalpinx: tắc do chất lỏng, dịch tích tụ trong vòi trứng (ứ nước vòi trứng).
  • Pyosalpinx: tắc do mủ tích tụ trong vòi trứng (ứ mủ vòi trứng).
  • Hematosalpinx: tắc do máu tích tụ trong vòi trứng (ứ máu vòi trứng).
  • Viêm ống dẫn trứng mạn tính: tắc do ống dẫn trứng bị viêm.

Nguyên nhân bệnh Tắc ống dẫn trứng

Có rất nhiều nguyên nhân gây tắc ống dẫn trứng, điển hình là các nguyên nhân sau:

  • Tiền sử nhiễm khuẩn vùng chậu.
  • Tiền sử vỡ ruột thừa.
  • Mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như: bệnh lậu, nhiễm vi khuẩn Chlamydia.
  • Lạc nội mạc tử cung, là bệnh trong đó các mô bình thường phát triển trong tử cung lại được tìm thấy ở các bộ phận khác như buồng trứng, ống dẫn trứng.
  • Tiền sử phẫu thuật ổ bụng.

Trong đa số trường hợp bị tắc ống dẫn trứng, các nguyên nhân này dẫn đến ống dẫn trứng có sẹo, và bị tắc. Những phụ nữ có tiền sử bệnh như trên chính là những đối tượng nguy cơ của tình trạng tắc ống dẫn trứng.

Các biện pháp hạn chế các nguyên nhân này sẽ góp phần phòng tránh tắc ống dẫn trứng như: quan hệ tình dục an toàn, điều trị kịp thời viêm ruột thừa…

Triệu chứng bệnh Tắc ống dẫn trứng

Dấu hiệu tắc ống dẫn trứng thường không rõ ràng. Một phụ nữ có thể nghi ngờ mình bị tắc ống dẫn trừng nếu quá trình thụ thai gặp khó . Các cặp vợ chồng chủ động thụ thai trong vòng 1 năm mà không thành công thì được coi là thụ thai khó khăn.

Một dấu hiệu tắc ống dẫn trứng khác là việc có thể bị đau ở vùng chậu hoặc vùng bụng. Triệu chứng này có thể xảy ra theo chu kỳ, như trong thời kỳ kinh nguyệt, hoặc có thể xảy ra liên tục.

Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Trong một số trường hợp, tắc ống dẫn trứng có thể gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tắc ống dẫn trứng

Không dễ để chẩn đoán xác định tình trạng tắc ống dẫn trứng.  Trên thực tế, có 3 loại xét nghiệm chính được thực hiện:

Chụp cản quang tử cung – vòi trứng (chụp HSG): kỹ thuật chụp X quang với thuốc cản quang được tiêm vào tử cung và vòi trứng. Thuốc cản quang có thể nhìn thấy trên film X quang, vì vậy nếu không thấy dung dịch thuốc chảy vào ống dẫn trứng thì có thể ống dẫn trứng đã bị tắc.

Siêu âm bơm nước buồng tử cung (SHG): phương pháp tương tự như chụp cản quang tử cung – vòi trứng nhưng sử dụng sóng âm để quan sát được hình ảnh của ống dẫn trứng.

Nội soi ổ bụng: bác sĩ dùng ống soi và camera nhỏ để chụp ảnh ống dẫn trứng từ bên trong.

Nội soi ổ bụng là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán tắc ống dẫn trứng, tuy nhiên các bác sĩ thường không sử dụng phương pháp này trong giai đoạn sớm vì đây là một phương pháp xâm lấn và không có hiệu quả điều trị.

Bác sĩ có thể khai thác bệnh sử để góp phần vào chẩn đoán bệnh. Ví dụ một phụ nữ bị vỡ ruột thừa trước đó, khi gặp khó khăn trong việc thụ thai, thì bác sĩ có thể nghĩ đến việc người phụ nữ này bị tắc ống dẫn trứng.

Các biện pháp điều trị bệnh Tắc ống dẫn trứng

Ống dẫn trứng có thể được khai thông sử dụng phương pháp phẫu thuật. Phương pháp được sử dụng thường là phẫu thuật nội soi. Trong cuộc phẫu thuật, bác sĩ có thể loại bỏ mô sẹo trên ống dẫn trứng, hoặc khai thông ống dẫn trừng từ bên trong.

Giống như nhiều loại phẫu thuật khác, phẫu thuật khai thông ống dẫn trứng có thể có một số tác dụng không mong muốn. Phẫu thuật nội soi có thể hạn chế các tác dụng không mong muốn này:

  • Nhiễm trùng.
  • Tạo ra nhiều mô sẹo hơn.
  • Tổn thương các cơ quan phụ cận.
  • Chảy máu, mất máu.

Một nguy cơ sau phẫu thuật là mang thai ngoài tử cung. Phụ nữ sau khi phẫu thuật nên đi khám và kiểm tra ngay khi có dấu hiệu mang thai.

Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Mục tiêu cuối cùng của việc phẫu thuật là làm tăng khả năng thụ thai của người phụ nữ. Việc người phụ nữ có thể mang thai sau phẫu thuật hay không phụ thuộc vào lứa tuổi, chất lượng tinh trùng, mức độ tổn thương của ống dẫn trứng. Nếu phẫu thuật không thành công, bác sĩ có thể tư vấn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm là việc cấy trực tiếp trứng đã được thụ tinh vào tử cung, đồng nghĩa với việc ống dẫn trứng không còn vai trò trong việc thụ thai.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *