Thông liên thất: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Thông liên thất

Bệnh lí tim bẩm sinh hiện nay không hiếm gặp và đã có nhiều bước tiến quan trong trong can thiệp sửa chữa. Các bệnh lí thường gặp nhất là: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch. Bài này sẽ trình bày về thông liên thất. Vậy thông liên thất là bệnh gì?

Bình thường quả tim có 4 buồng, hai tâm nhĩ được ngăn cách nhau bởi vách liên nhĩ, hai tâm thất được ngăn cách với nhau bởi vách liên thất, 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất ngăn cách nhau bởi 2 vòng van nhĩ thất. Vách liên thất nếu bị khiếm khuyết vì lí do nào đó sẽ gây ra bệnh thông liên thất. Thông liên thất gồm 4 thể: thông liên thất phần quanh màng, thông liên thất phần cơ, thông liên thất phần buồng nhận, thông liên thất phần phễu (dưới van). Thông liên thất tùy từng kích thước lỗ thông mà có thể gây ảnh hưởng khác nhau đến người bệnh.

Nhìn chung, diễn biến của thông liên thất như sau: máu từ tim trái với áp lực cao qua lỗ thông sang buồng tim phải và lên động mạch phổi, lâu dần gây ra tăng áp động mạch phổi. Tim trái bị quá tải thể tích, sẽ dẫn đến suy tim. Nếu lỗ thông nhỏ, máu sang tim phải ít hơn, quá trình suy tim phải sẽ chậm hơn. Ngược lại nếu lỗ thông lớn, suy tim toàn bộ sẽ nhanh chóng xảy ra. Khi áp lực động mạch phổi tăng cố định sẽ làm đảo chiều shunt, gây ra triệu chứng tím trên lâm sàng.

Thông liên thất tự đóng khi nào?

75% thông liên thất phần quanh màng và phần cơ có thể tự đóng. Nó thường xảy ra khi lỗ thông nhỏ và trong khoảng hai năm đầu. Thông liên thất phần phễu và buồng nhận thì không thể tự đóng.

Nguyên nhân bệnh Thông liên thất

  • Nguyên nhân thông liên thất đa phần chưa được biết nhưng có sự góp mặt của yếu tố gen và môi trường.
  • Khoảng 5% bệnh nhân thông liên thất có bất thường nhiễm sắc thể bao gồm có ba nhiễm sắc thể 13 hoặc ba nhiễm sắc thể 18 hoặc ba nhiễm sắc thể 21.
Thông liên thất: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Triệu chứng bệnh Thông liên thất

Triệu chứng bệnh thông liên thất phụ thuộc vào kích thước lỗ thông

  • Nếu lỗ thông nhỏ, có thể không có triệu chứng gì đặc biệt, phát triển thể chất hoàn toàn bình thường.
  • Nếu lỗ thông vừa đến lớn, có thể có các biểu hiện sau:
    • Trẻ chậm lớn, chậm phát triển.
    • Thở nhanh, khó thở khi gắng sức.
    • Dễ bị viêm phổi và viêm phổi tái phát.
  • Nếu tăng áp động mạch phổi cố định sẽ có triệu chứng tím: tím môi, niêm mạc, ngón tay dùi trống.
  • Khám tim có thể thấy tiếng thổi toàn tâm thu ở cạnh ức trái.
  • Các dấu hiệu của suy tim: phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
Thông liên thất: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Thông liên thất

  • Mẹ bị nhiễm cúm, Rubella trong thai kì.
  • Tuổi mẹ cao khi mang thai.

Phòng ngừa bệnh Thông liên thất

  • Tiêm phòng vacxin trước khi mang thai.
  • Không sinh con muộn sau tuổi 35.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh khi mang thai.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thông liên thất

  • Siêu âm doppler tim: là thăm dò bắt buộc phải thực hiện để khẳng định chẩn đoán và đưa ra quyết định điều trị. Trên siêu âm tim có thể xác định được vị trí thông liên thất, kích thước lỗ thông, shunt trái phải hay shunt đã đảo chiều, áp lực động mạch phổi.
  • X-quang ngực: thường chỉ thấy các dấu hiệu gián tiếp như cung động mạch phổi nổi, nhĩ trái giãn, thất trái giãn.
  • Thông tim ống lớn: để tính chính xác áp lực động mạch phổi, đưa ra quyết định điều trị phù hợp.

Các biện pháp điều trị bệnh Thông liên thất

Điều trị bệnh thông liên thất có hai phương pháp chính: phẫu thuật vá lỗ thông hoặc can thiệp bít thông liên thất bằng dù. Can thiệp bít thông liên thất chỉ áp dụng đối với thể quanh màng hoặc thông liên thất phần cơ (cũng là hai thể thường gặp nhất). Hiện nay can thiệp đang là phương pháp được áp dụng rộng rãi, đem lại ít nguy cơ và biến chứng hơn phẫu thuật. Các yếu tố cần cân nhắc khi đưa ra quyết định đóng lỗ thông:

  • Nếu lỗ thông lớn, các triệu chứng suy tim xuất hiện từ giai đoạn sơ sinh, không kiểm soát được bằng thuốc, phẫu thuật vá thông liên thất cần thực hiện trong vòng 6 tháng đầu.
  • Nếu lỗ thông nhỏ, không phải ở dưới đại động mạch, không gây quá tải thất trái hoặc tăng áp động mạch phổi, không có tiền sử viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, có thể không cần phẫu thuật hay can thiệp.
  • Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, áp lực và sức cản mạch phổi, bác sĩ sẽ quyết định có đóng lỗ thông liên thất hay không.
  • Chống chỉ định đóng lỗ thông khí tăng áp phổi cố định, hội chứng Eissenmenger trên lâm sàng.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *