Tiền mãn kinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là gì?

Tiền mãn kinh (Perimenopause) là thuật ngữ y học chỉ giai đoạn xảy ra từ khi hoạt động của buồng trứng giảm và xuất hiện những biểu hiện lâm sàng đầu tiên của mãn kinh đến khi mãn kinh hoàn toàn, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ có thể sinh đẻ.

Nguyên nhân bệnh Tiền mãn kinh

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hoạt động của buồng trứng bắt đầu suy giảm dẫn tới sự mất cân bằng hoặc rối loạn nồng độ các nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone).

Triệu chứng bệnh Tiền mãn kinh

Các triệu chứng tiền mãn kinh có thể xuất hiện với mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy từng người, có thể bao gồm:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất. Do sự thay đổi về hormone sinh dục, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể gặp phải một số vấn đề về kinh nguyệt như:

Khó có thể xác định thời gian rụng trứng.

Khoảng thời gian giữa các chu kỳ kinh nguyệt trở nên ngắn hoặc dài hơn bình thường.

Lượng máu bị mất thay đổi.

Có thể mất kinh ở một vài chu kỳ.

Tiền mãn kinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Bốc hỏa hay nóng bừng: Là dấu hiệu phổ biến nhất trong các triệu chứng tiền mãn kinh với khoảng 2/3 phụ nữ gặp phải hiện tượng này. Bốc hỏa là cảm giác đột ngột nóng và đổ nhiều mồ hôi trong thời gian ngắn, thường xảy ra xung quanh mặt và phần trên của cơ thể. Một số người còn gặp tình trạng bốc hỏa kèm theo tim đập nhanh. Khi cơn bốc hỏa qua đi, sẽ có giảm giác ớn lạnh, mệt mỏi và uể oải.

Cơn bốc hoả có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 30 giây đến 30 phút, đa số là 2-3 phút. Tần suất xuất hiện bốc hỏa cũng biến đổi tùy từng người, có người bốc hỏa mỗi giờ một cơn, có người chỉ thỉnh thoảng mới bốc hỏa, nhưng cũng có những người không trải qua triệu chứng này.

  • Đổ mồ hôi đêm: Triệu chứng này cũng diễn ra tương tự như bốc hoả. Nguyên nhân của hiện tượng này đến nay vẫn chưa được lý giải một cách rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng những thay đổi ở vùng dưới đồi (vùng não giúp điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể) khiến nó đọc thông tin sai lệch và cơ thể bắt đầu quá trình điều hoà nhiệt bằng cách làm giãn các mạch máu dưới da. Điều này khiến cho cơ thể nóng lên và đổ mồ hôi, da chuyển sang màu đỏ.
  • Thay đổi vóc dáng cơ thể do chuyển hoá chậm và tăng cân: Việc nồng độ hormone estrogen giảm khiến cơ thể có xu hướng làm chậm quá trình trao đổi chất và tích trữ nhiều chất béo hơn. Do đó, nhiều phụ nữ có biểu hiện tăng cân trong giai đoạn này.
  • Các vấn đề liên quan đến âm đạo: Lượng estrogen giảm sẽ khiến các mô âm đạo bị mất chất bôi trơn và độ đàn hồi. Việc này làm cho âm đạo trở nên mỏng, khô, dễ rách, kém linh hoạt và dẫn tới một số hệ quả sau:

Có nguy cơ cao bị rách và chảy máu âm đạo khi giao hợp.

Các hoạt động tình dục diễn ra khó khăn hoặc gây đau đớn.

Ham muốn quan hệ tình dục trở nên suy giảm rõ nét.

Dễ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tiểu tiện bị rối loạn: tiểu són, tiểu không tự chủ.

  • Các vấn đề về tâm lý: Sự thay đổi nồng độ estrogen cũng tác động đến não và thần kinh. Điều này ảnh hưởng tới tâm trạng và giấc ngủ. Theo ước tính, có khoảng 1/4 phụ nữ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh với các triệu chứng trầm cảm, lo âu, mất ngủ, và tính khí thay đổi thất thường.
  • Thay đổi về da và tóc:

Trong giai đoạn này, da người phụ nữ trở nên khô ráp hơn, giảm tính đàn hồi, dễ bị nhăn vùng quanh mắt. Những vết đốm đồi mồi, nám, tàn nhang bắt đầu xuất hiện rõ nét.

Tóc mất dần sắc tố và chuyển màu, rụng nhiều hơn.

Móng tay trở nên giòn, bề mặt móng gồ ghề và dễ gãy.

Đường lây truyền bệnh Tiền mãn kinh

Phụ nữ phải trải qua giai đoạn tiền mãn kinh ở tuổi nào?

Tiền mãn kinh thường bắt đầu trong khoảng tuổi từ 40 đến 50, những trường hợp mãn kinh trước tuổi 40 được coi là sớm và những trường hợp mãn kinh sau tuổi 55 được coi là muộn. Thời kỳ tiền mãn kinh có thể ngắn từ 5 đến 7 tháng nhưng cũng có thể kéo dài từ 5-15 năm. Trong giai đoạn này, người phụ nữ vẫn có thể có chu kỳ kinh nguyệt đều nhưng bắt đầu có sự thay đổi về lượng máu mất đi và khoảng thời gian hành kinh.

Phòng ngừa bệnh Tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là một quá trình diễn ra tự nhiên và bắt buộc phải trải qua trong vòng đời của người phụ nữ. Tuy nhiên, đôi khi mãn kinh xảy ra sớm là do một bệnh nào đó hoặc bởi tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nếu có những lo lắng về thời kỳ tiền mãn kinh và các triệu chứng khó chịu mà nó gây ra thì nên đến các cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Bên cạnh đó, lối sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng gặp phải trong quá trình này. Một số cách có thể thực hiện như sau:

  • Ngủ đủ giấc.
  • Thường xuyên tập thể dục, cố gắng có những vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau, củ, quả vào thực đơn.
  • Giữ tinh thần luôn luôn vui vẻ, thoải mái, tránh để bị stress: có thể tập yoga hoặc thiền, các bài tập dưỡng sinh,…
Tiền mãn kinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tiền mãn kinh

Quá trình tiền mãn kinh là một sự chuyển đổi diễn ra dần dần nên không có thử nghiệm đơn lẻ nào có thể xác định được người phụ nữ đang trong quá trình này hay không. Các bác sĩ sẽ xem xét nhiều thông tin, bao gồm tuổi tác, lịch sử kinh nguyệt, những triệu chứng và sự thay đổi trên cơ thể mà người phụ nữ đang trải qua.

Các biện pháp điều trị bệnh Tiền mãn kinh

Vì là quá trình diễn ra tự nhiên nên hầu hết các trường hợp không cần sự can thiệp y tế hay điều trị. Tuy nhiên, khi các triệu chứng khiến người phụ nữ thực sự khó chịu thì việc điều trị tiền mãn kinh là cần thiết. Khái niệm điều trị tiền mãn kinh được dùng để nói đến việc điều trị các triệu chứng khó chịu gây ra trong thời kỳ này. Tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng, các phương pháp chính có thể sử dụng bao gồm:

  • Liệu pháp hormone: là lựa chọn tốt nhất để điều trị triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc là dẫn chất estrogen (có thể trong thuốc uống, cao dán hoặc dạng kem) nhằm bổ sung sự thiếu hụt mà cơ thể không đáp ứng được. Dựa vào tình trạng sức khoẻ hiện tại và bệnh sử gia đình, các bác sĩ sẽ đưa ra liều lượng estrogen phù hợp để làm dịu các triệu chứng. Nếu bệnh nhân vẫn còn tử cung thì progesterone cần được kết hợp để tránh nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.
  • Vaginal estrogen: Để làm dịu chứng khô âm đạo, estrogen có thể được đưa trực tiếp vào âm đạo và được hấp thụ bởi các mô âm đạo. Điều này có thể làm âm đạo bớt khô ráp và làm dịu một số triệu chứng liên quan đến âm đạo.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc gọi là “thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin” (selective serotonin reuptake inhibitors-SSRIs) có tác dụng làm dịu hiện tượng bốc hỏa và các triệu chứng tâm lý khác như lo âu, muộn phiền.

Trước khi sử dụng bất cứ biện pháp điều trị nào, người bệnh nên thảo luận chi tiết với bác sĩ về những lợi ích và nguy cơ với mỗi phương pháp.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *