U màng não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh U màng não

U màng não là khối u nội sọ lành tính thường gặp nhất. Khối u bắt nguồn từ các tế bào mũ trong màng nhện – lớp màng mỏng như mạng nhện phủ lên nhu mô não và tủy sống. Các lớp màng não bao gồm: màng nhện, màng mềm và màng cứng. Trong đó màng nhện là một trong ba lớp màng não bao bọc não và tủy sống.

U màng não có nguy hiểm không? Đa số u não là lành tính nhưng chúng có thể phát triển đến kích thước rất lớn khi được phát hiện, và ở các vị trí đặc biệt có thể gây thiếu sót chức năng thần kinh lớn, đe dọa tính mạng.

U màng não chiếm tỷ lệ khoảng 34% các khối u nguyên phát ở não, thường xảy ra ở lứa tuổi từ 30-70. Trẻ em ít bị mắc u màng não hơn người lớn. Tỷ lệ nam/nữ khoảng 1/2. Đặc biệt, u màng não cột sống xảy ra gấp 10 lần ở nữ so với nam. Tuy nhiên tỉ lệ u màng não ác tính lại xảy ra nhiều hơn gấp 3 lần ở nam giới.

Nguyên nhân bệnh U màng não

Nguyên nhân u màng não hiện nay chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm:

  • Phơi nhiễm phóng xạ: Tiếp xúc với phóng xạ ion hóa liều cao đã được chứng minh có nguy cơ mắc u màng não.
  • Bệnh Neurofibromatosis type 2: còn gọi là bệnh đa u sợi thần kinh có liên quan đến tỷ lệ xuất hiện u màng não cao hơn.
  • Chủng tộc: người da đen có nguy cơ u màng não cao hơn người da trắng.

Triệu chứng bệnh U màng não

U màng não phát triển khá chậm nên thường không có dấu hiệu gì cho đến khi kích thước khá lớn. Triệu chứng của u màng não liên quan đến kích thước khối u và vị trí của khối u.

Một số dấu hiệu thường gặp:

  • Đau đầu: đau đầu tăng dần, thường bắt đầu ở 1 vị trí sau đó lan ra khắp đầu. Bệnh nhân sau đó không còn đáp ứng với thuốc giảm đau.
  • Động kinh: co giật cục bộ 1 bộ phận (1 tay, 1 chân) hay toàn thể. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái động kinh kéo dài hơn 30 phút.
  • Rối loạn ý thức: lú lẫn, ngủ gà, thay đổi tính cách, hành vi.
  • Nôn, buồn nôn: thường là nôn vọt, không liên quan đến bữa ăn, sau nôn không giảm đau đầu.
  • Rối loạn thị giác: nhìn đôi…
  • Yếu chi.
  • Ù tai, không nghe được.
U màng não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Một số triệu chứng liên quan đến vị trí khối u như:

  • Liềm não: suy giảm chức năng lập luận, ghi nhớ. Khi u nằm gần đường giữa, bệnh nhân có xu hướng yếu chi dưới, dị cảm tê bì hoặc co giật.
  • Bán cầu: co giật, đau đầu, yếu chi.
  • Xương bướm: ảnh hưởng thị lực, mất cảm giác hay di cẳm ở mặt.
  • U rãnh khứu: mất khả năng ngửi mùi do u chèn ép dây thần kinh khứu giác. Khi u phát triển lớn có thể ảnh hưởng đến thị lực do dây thần kinh thị bị chèn ép.
  • Hố yên yên: thị giác, do chèn ép giao thoa thị giác hoặc dây thần kinh thị.
  • Hố sau: đi đứng loạng choạng và mất phối hợp vận động do u chèn ép tiểu não.
  • Trong não thất: bít tắc dẫn lưu dịch não tủy, dẫn đến tăng áp lực nội sọ: đau đầu, nôn, rối loạn chức năng tâm thần kinh và thị giác.
  • Trong ổ mắt: tăng áp lực ổ mắt, lồi mắt, nguy cơ mất thị lực.
  • Cột sống: đau lưng, đau chi do u chèn ép thần kinh.

Đối tượng nguy cơ bệnh U màng não

  • U màng não xảy ra nhiều hơn ở nữ giới.
  • Có mối liên quan giữa u màng não và ung thư vú.
  • Có mối liên quan giữa thai kỳ, chu kỳ kinh nguyệt và sự phát triển của u màng não.

Phòng ngừa bệnh U màng não

Không có biện pháp phòng ngừa u màng não đặc hiệu:

  • Nên đi khám chuyên khoa thần kinh khi có các dấu hiệu thần kinh nghi ngờ.
  • Bệnh nhân mắc đa u sợi thần kinh nên đi khám định kỳ 6-12 tháng/lần.
  • Điều quan trọng là ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh U màng não

  • Chẩn đoán u màng não gặp khá nhiều khó khăn do đa số các u màng não phát triển chậm và hầu hết chỉ gặp ở người trưởng thành nên triệu chứng không rõ ràng khiến cho bệnh nhân/bác sĩ lầm tưởng là những dấu hiệu bình thường của tuổi tác. Một số triệu chứng đi kèm với u màng não cũng có thể do các bệnh lý khác.
  • Cần phải thăm khám hệ thần kinh một cách toàn diện kỹ lưỡng đi kèm với các chẩn đoán hình ảnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI)  giúp đánh giá tương đối chính xác về đặc điểm của khối u như vị trí, kích thước, số lượng, biến chứng của khối u gây ra như giãn não thất, phù não.
  • Sinh thiết u: Bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ thực hiện sinh thiết u để có kết quả giải phẫu bệnh chắc chắn.
U màng não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh U màng não

Các phương pháp điều trị u màng não chính bao gồm: phẫu thuật và xạ trị, hóa chất ít khi được áp dụng.

Phẫu thuật

  • Là phương pháp loại bỏ khối u và bảo tồn mô khỏe mạnh xung quanh. Đây là phương pháp chính trong điều trị u màng não.
  • U màng não lành tính có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.
  • U màng não ác tính thì sau phẫu thuật cần điều trị bổ trợ bằng tia xạ và hóa chất.
  • Có thể  gây tắc mạch chọn lọc trước khi mổ để giảm nguy cơ chảy máu trong và sau mổ
  • Phẫu thuật trong u màng não được thực hiện bằng cách mở hộp sọ và lấy u dưới kính vi phẫu.
  • Chi phí phẫu thuật u màng não phụ thuộc và vị trí, tính chất, giai đoạn của khối u cũng như trang thiết bị hiện đại được sử dụng (kính vi phẫu) và cơ sở vật chất tiến hành.

Xạ trị

Dùng tia X năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và các tế bào não bất thường.

Chỉ định trong trường hợp u không thể điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật.

  • Xạ trị ngoài tiêu chuẩn: dùng nhiều loại tia để giảm liều tia đến các cấu trúc bình thường lân cận.
  • Tia proton: chùm tia proton hướng thẳng vào u nên các tế bào bình thường bên cạnh u ít chịu tổn thương.
  • Xạ trị lập thể (Như Gamma Knife, Novalis, Cyberknife): là kỹ thuật hội tụ nhiều chùm tia vào một mục tiêu cố định, ít gây ảnh hưởng đến mô lân cận.

Hóa chất

  • Sử dụng các thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào u.
  • Thuốc thường có tác dụng ngăn chặn khả năng nhân lên và phân chia của tế bào u.

Điều trị triệu chứng

  • Corticoid: giảm tình trạng phù não nên  giảm các triệu chứng đau đầu, buồn nôn.
  • Thuốc chống động kinh: chỉ định cho bệnh nhân có triệu chứng động kinh.
  • Dẫn lưu não thất ổ bụng: chỉ định trong trường hợp tăng áp lực nội sọ cấp cứu.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *