Viêm gân chóp xoay: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Viêm gân chóp xoay

Chóp xoay khớp vai bao gồm các gân cơ cánh tay và cơ vai bám vào đầu trên xương cánh tay. Các gân cơ bám chắc và giao thoa với nhau thành gân chóp xoay, có chức năng giữ vững khớp vai. Chính điều này giúp cho khớp vai có tầm vận động lớn nhất. Khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều trong suốt đời người, cũng chính vậy làm cho chóp xoay dễ bị tổn thương nhất. Tổn thương chóp xoay thường gặp nhiều nhất ở những người phải vận động khớp vai thường xuyên, nhất là trong trường hợp có các động tác lặp đi lặp lại đưa tay lên quá đầu trong công việc hàng ngày hoặc chơi thể thao (thợ sơn, thợ mộc, vẽ tranh tường, chơi bóng gậy, bóng chày, quần vợt, cầu lông, bóng ném) hoặc có tiền sử mang vác nặng, hoạt động quá mức của khớp vai…, gân khớp vai rất dễ bị tổn thương, kích thích gây phản ứng viêm. Ngoài ra, tổn thương chóp xoay khớp vai có thể gặp phải khi người bệnh nằm nghiêng lên phía đau khi ngủ, chấn thương do té ngã, đụng dập hay khi các gai xương hoặc một phần xương bả vai to trồi lên gây kích thích viêm gân chóp xoay. 

Các loại tổn thương có thể gặp của chóp xoay là:

  • Viêm gân chóp xoay vai thường là cấp tính, có thể kèm theo lắng đọng canxi tại gân;
  • Chèn ép gân thường là mạn tính, do gân chóp xoay bị kẹt giữa xương vai và chỏm xương cánh tay hoặc do gai xương ở mặt dưới mỏm cùng, dẫn đến rách tưa sợi  gân, làm cho gân bị yếu và dễ đứt;
  • Rách gân ở nhiều mức độ khác nhau, do té ngã hoặc tai nạn hoặc do  hậu quả của chèn ép gân, nhất là ở người già.

Hầu hết người bệnh có vấn đề về gân cơ chóp xoay có thể điều trị thành công bằng việc nghỉ ngơi kết hợp với thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, tập vật lý trị liệu, tiêm corticoid vào khớp. Một số trường hợp cần phải can thiệp phẫu thuật mới có thể điều trị triệt để. 

Bệnh được xác định là có liên quan đến yếu tố di truyền nên việc tìm hiểu tiền sử bệnh của gia đình cũng rất có giá trị trong chẩn đoán và điều trị.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm gân chóp xoay

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm hay đứt chóp xoay, bao gồm lớn tuổi gây thoái hóa gân, tình trạng thiếu máu nuôi gân và do sử dụng quá mức khớp vai. 

  • Viêm chóp xoay có thể gặp ở cả các vận động viên trẻ tuổi lẫn những những người bình thường ở độ tuổi trung niên. Các vận động viên bơi lội, bóng chuyền, tennis … là những đối tượng dễ mắc các tổn thương loại này. 
  • Những người làm cồng việc phải thường xuyên giơ tay cao quá đầu, động tác lặp lại nhiều lần như thợ sơn, thợ xây, thợ mộc cũng dê mắc bệnh này. 
  • Viêm chóp xoay cũng có khi là do 1 chấn thương nhẹ vùng vai gây ra:

Té ngã chống tay hoặc ngã đè lên tay làm đụng dập hay rách gân cơ chóp xoay

Nâng một đồ vật nặng hay đưa tay lên quá đầu không đúng tư thế.

Tổn thương lặp đi lặp lại của gân cơ chóp xoay dẫn đến viêm, rách…

Các gai xương hoặc một phần xương bả vai to trồi lên gây kích thích và làm tổn thương gân chóp xoay.

  • Đôi khi viêm chóp xoay xảy ra mà không tìm thấy được nguyên nhân rõ ràng cụ thể.

3. Triệu chứng bệnh Viêm gân chóp xoay

Bệnh hay xảy ra ở những người tuổi trên 40 (ước tính có khoảng từ 15-40% những người trên 40 bị bệnh này) và triệu chứng đầu tiên luôn là đau ở vùng vai. Cơn đau có đặc điểm: 

  • Đau âm ỉ sâu trong vai, lan lên tới cổ (làm dễ chẩn đoán làm với thoái hóa cột sống cổ), hoặc lan xuống cánh tay nhưng không vượt quá vùng khuỷu tay.
  • Giai đoạn đầu, đau ở mức độ nhẹ cả khi vận động lẫn khi nghỉ ngơi. Về sau dau thường xuất hiện vào đêm khuya, sau một ngày làm việc vất vả và khiến bệnh nhân mất ngủ, nhất là khi nằm nghiêng bên vai bị đau.
  • Ban đầu thường là đau đột ngột khi với tay lấy đồ, nâng vật nặng hoặc khi vận động mạnh (như chơi thể thao). Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng nặng dần lên, bệnh có cảm giác yếu, mỏi cánh tay khi nhấc tay và khi làm việc với cánh tay tư thế dạng, khiến người bệnh khó thực hiện được những việc như chải đầu, khó mặc áo hay đưa tay ra phía sau đầu.
  • Cảm thấy đau khi đẩy đồ vật ra xa bằng tay nhưng kéo lại thì thường không đau.
  • Bệnh lâu ngày dẫn tới rách lớn chóp xoay làm bệnh nhân cử động vai khó khăn, đặc biệt khi dang tay lên tới đầu, rách nặng hơn làm bệnh nhân không giơ tay lên được, hoặc khi giơ tay lên được thì khi hạ xuống, tay sẽ bị rớt đột ngột mà không thể giữ lại được.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra vận động khớp vai ở nhiều tư thế và góc độ khác nhau. Vận động thụ động chóp xoay khớp vai sẽ hạn chế biên độ do đau tại những góc và vị trí nhất định. Một số dấu hiệu đặc trưng có thể bắt gặp gồm:

  • Trong viêm gân chóp xoay vai, bệnh nhân đau nhất khi cánh tay dạng ra 1 góc từ 70 – 120 độ so với thân người;
  • Trong rách gân chóp xoay, bác sĩ đưa cánh tay người bệnh ra xa thân mình và nâng về phía đầu, rồi hạ cánh tay xuống từ từ đến khoảng 90 độ, nhưng khi xuống thấp hơn nữa thì cánh tay rơi xuống nhanh chóng do gân đã bị rách (nghiệm pháp rơi cánh tay).

Biến chứng bệnh viêm gân chóp xoay

Khớp vai cần được nghỉ ngơi, hạn chế vận động để tổn thương có thời gian hồi phục. Tuy nhiên, bất động vai kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mô liên kết quanh khớp dày lên và khớp vai bị bó chặt, làm hạn chế vận động, lâu dần dẫn đến cứng khớp.

4. Phòng ngừa bệnh

Bạn nên duy trì các thói quen sinh hoạt sau để hạn chế diễn tiến đau gân chóp xoay:

  • Đôi khi tất cả những gì bạn cần làm là nghỉ ngơi hợp lý.
  • Dùng thuốc và luyện tập theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ;
  • Cố gắng tránh làm việc bằng tay đang bị bệnh;
  • Gọi bác sĩ nếu cơn đau khiến bạn mất ngủ và không thể kiểm soát bằng thuốc 

5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Khi bệnh nhân đi khám bệnh các bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp khám đặc biệt để phát hiện gân bị viêm hay rách, đánh giá mức độ tổn thương. Đồng thời bệnh nhân sẽ được chỉ định làm 1 số các xét nghiệm cận lâm sàng như: chụp X quang, siêu âm, MRI, đo điện cơ,… để xác định nguyên nhân của viêm chóp xoay khớp vai cũng như loại trừ những khả năng khác cũng làm đau khớp tương tự như rách, đứt gân, chèn ép…

  • X-quang: cho thấy các gai xương và vôi hóa trong gân.
  • Siêu âm: thấy rõ cấu trúc, nhất là phần mô mềm như gân, cơ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): phát hiện rất tốt các vấn đề của cả xương và mô mềm.

6. Các biện pháp điều trị bệnh

Mục tiêu của việc điều trị là giảm đau và phục hồi chức năng khớp vai. Tùy thuộc vào mức độ triệu chứng, tình trạng viêm hay rách chóp xoay, tuổi và nhu cầu vận động của bệnh nhân mà sẽ có từng chiến lược điều trị khác nhau.

Điều trị không phẫu thuật: sẽ được ưu tiên áp dụng trong phần lớn các trường hợp, chỉ khi các biện pháp này không đạt kết quả người ta mới cân nhắc đến việc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Thời gian điều trị theo phương pháp này thường kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng. Các biện pháp cụ thể gồm có

  • Nghỉ ngơi: BS sẽ yêu cầu bệnh nhân tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế việc thực hiện các động tác giơ tay cao quá đầu, thay đổi công việc hiện tại nếu công việc buộc phải thực hiện nhiều những động tác trên.
  • Áp dụng các bài tập vật lý trị trị liệu phù hợp sẽ giúp khôi phục biên độ vận động và tăng cường sức mạnh cho khớp vai. Chườm lạnh lên chỗ đau sẽ giúp giảm đau trong các cơn đau cấp
  • Dùng các thuốc kháng viêm, giảm đau loại non-Steroid và thuốc giãn cơ: giúp làm giảm đau, giảm sưng khớp vai. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây đau dạ dày, xuất huyết. Vì thế cần thận trọng và căn dặn bệnh nhân thật cẩn thận trước khi dùng thuốc cho bệnh nhân.
  • Những trường hợp phản ứng viêm dữ dội, vùng da quanh khớp sưng nóng, ửng đỏ, bệnh nhân đau nhiều, thuốc giảm đau đường toàn thân không hiệu quả thì có thể sử dụng đến liệu pháp tiêm corticoid vào khớp, có thể tiêm lặp lại sau 4 – 6  tháng nếu đáp ứng tốt. Đây là 1 thủ thuật rất hữu ích cho việc điều trị nhưng cần phải thực hiện hết sức thận trọng, việc chỉ định cũng cần hết sức chặt chẽ vì:

Corticoid là 1 thuốc có rất nhiều tác dụng không mong muốn nên việc chỉ định cần hết sức thận trọng.

Việc tiêm corticoid nội khớp có thể làm yếu gân và làm chậm quá trình lành gân

Việc tiêm corticoid trực tiếp vào khớp nói chung cần được thực hiện cẩn thận trong môi trường vô trùng và được thực hiện bởi bác sĩ được đào tạo bài bản về tiêm nội khớp vì nếu bị nhiễm trùng, tràn máu vào ổ khớp sẽ rất tai hại, khớp vai có nguy cơ mất chức năng vĩnh viễn.

  • Điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu trong viêm chóp xoay khớp vai: cũng đã được ứng dụng và ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Huyết tương giàu tiểu cầu được chiết xuất từ chính máu của người bệnh, Nguyên lý điều trị này dựa trên chức năng của tiểu cầu là có khả năng giải phóng các yếu tố tăng trưởng và các phân tử sinh học để kích thích tốc độ và khả năng phục hồi tại chỗ của mô tế bào. Đây vốn dĩ là một quá trình tự nhiên của cơ thể, khi các mô bị viêm, chấn thương, đụng dập. Phương thức điều trị này có tính an toàn tương đối cao do lấy máu tự thân, loại trừ được khả năng bị lây nhiễm bệnh, không dị ứng và không gặp nguy cơ không tương thích. Đồng thời, loại thuốc sinh học này còn kích thích phục hồi các mô tế bào bị tổn thương và tái tạo, tăng hồi phục về mặt chức năng, vận động của khớp vai, làm cho thời gian phục hồi ngắn hơn, chất lượng cuộc sống của người bệnh mau chóng về lại như bình thường.

Điều trị phẫu thuật

Nói chung, hầu hết người bệnh sẽ cải thiện chức năng bằng việc nghỉ ngơi kết hợp với thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Nếu các biện pháp điều trị không phấu thuật không đạt hiệu quả, bác sỹ sẽ chỉ định phẫu thuật để lấy bỏ gai xương, sửa chữa khôi phục gân, chuyển gân, thay thế gân, làm rộng khoang dưới mỏm cùng (tạo hình mỏm cùng vai), khâu lại gân chóp xoay… Với sự tiến bộ của y học ngày nay, các phẫu thuật này hầu như đều có thể thực hiện hoàn toàn qua ngả nội soi, giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, rút ngắn đáng kể thời gian hồi phục.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *