Viêm đa rễ dây thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Viêm đa rễ dây thần kinh

Viêm đa rễ dây thần kinh hay viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên là một trong những bệnh lý phổ biến nhất của hệ thần kinh, đặc trưng với hiện tượng viêm và tổn thương mất bao myelin.  Dây thần kinh ngoại biên có bao myelin dẫn truyền tín hiệu với tốc độ nhanh hơn dây thần kinh ngoại biên không có bao myelin. Vì vậy, khi bao myelin bị tổn thương, tín hiệu được dẫn truyền chậm hơn, gây ra các triệu chứng lâm sàng.

Viêm đa rễ dây thần kinh được chia làm 2 loại theo diễn tiến của bệnh:

Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính

Còn có tên gọi khác là hội chứng Guillain Barre. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, và là một bệnh cảnh cấp cứu thần kinh, gây tử vong trong bối cảnh suy hô hấp và ngừng tim khi các dây thần kinh chi phối tương ứng bị tổn thương. Các tác nhân nhiễm khuẩn tấn công rễ và dây thần kinh kích thích cơ thể sản xuất kháng thể bảo vệ. Tuy nhiên chính các kháng thể này là nguyên nhân tấn công bao myelin của sợi trục thần kinh. Vì vậy, bệnh thường được xem như một bệnh lý tự miễn, không có tính di truyền. Bệnh thường khởi phát sau khi bị nhiễm trùng khoảng vài tuần. Hội chứng Guillain Barre thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Nếu qua được giai đoạn nguy hiểm, bệnh thường tự khỏi trong vòng vài tháng đến 1 năm và rất ít khi tái phát. 10% các trường hợp tồn tại di chứng thần kinh suốt đời.

Viêm đa rễ dây thần kinh mãn tính

Thể bệnh này ít gặp, kéo dài nhiều tháng và cũng được xếp vào nhóm bệnh lý tự miễn.

Ngoài ra, bệnh còn được phân loại dựa theo chức năng thần kinh hoặc thành phần của dây thần kinh bị tổn thương như thần kinh vận động, thần kinh cảm giác hay thần kinh tự chủ.

Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh là một bệnh lý khó, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Điều trị viêm đa rễ dây thần kinh cần nhiều thời gian và phối hợp nhiều phương pháp.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm đa rễ dây thần kinh

Nguyên nhân gây bệnh viêm đa rễ dây thần kinh rất đa dạng, được chia làm nhiều nhóm bao gồm:

  • Bệnh lý toàn thân: đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu trong nhóm này. Các bệnh lý khác cũng có thể gây viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên như suy giáp, suy thận, thiếu hụt vitamin B12, nghiện rượu, …
  • Nhiễm trùng và bệnh lý tự miễn: đây là nhóm nguyên nhân chính gây nên thể bệnh viêm đa rễ dây thần kinh cấp. Các tác nhân gây bệnh bao gồm Streptococcus B, HIV, vi khuẩn, virus đường ruột, đường hô hấp trên, hội chứng Sjogren, viêm mãn tính. Khi bị tấn công bởi các tác nhân nhiễm khuẩn, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể bảo vệ. Tuy nhiên các kháng thể này lại nhận diện bao myelin của sợi trục thần kinh như những kháng nguyên lạ và tấn công, phá hủy chúng, làm giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh của các dây và rễ thần kinh ngoại biên.  
  • Thuốc: một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư, thuốc tiêu sợi huyết cũng có thể gây bệnh.
  • Vô căn: 30-40% các trường hợp không tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, thường được gọi là bệnh thần kinh vô căn.

3. Triệu chứng bệnh

Triệu chứng bệnh viêm đa rễ dây thần kinh nổi bật với tình trạng yếu nhiều cơ tiến triển đến liệt, kèm theo với các rối loạn cảm giác.

  • Rối loạn vận động: bệnh nhân yếu nhiều cơ trên cơ thể, dẫn đến liệt. Triệu chứng thường đối xứng ở hai bên cơ thể và các cơ ở vùng gốc chi thường bị ảnh hưởng nhiều hơn. Sau khi khởi phát bệnh vài ngày, liệt vận động có thể lan lên các vùng chi khác, đôi khi liệt cả các cơ vùng thân mình gây suy hô hấp, liệt các cơ vùng mặt, miệng họng hầu gây sặc. Cơ lực giảm, kèm theo giảm trương lực cơ và rối loạn phản xạ gân xương của các vùng trên cơ thể. Hiện tượng teo cơ rất hiếm gặp.  
  • Rối loạn cảm giác: bệnh diễn tiến nhanh với rối loạn các cảm giác nông như tê bì, dị cảm ở bàn chân, sau đó lan lên cẳng chân, đùi và tay. Các rối loạn cảm giác sâu cũng có thể gặp.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: biểu hiện bởi các dấu hiệu cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn, huyết áp tăng, mạch nhanh, da tái.  
  • Rối loạn đại tiểu tiện.

Triệu chứng trở nên nặng nề hơn khi người bệnh tiếp xúc với nhiệt độ cao, khi hoạt động nhiều hoặc khi cơ thể mệt mỏi.

Người bệnh có thể biểu hiện các triệu chứng của tình trạng viêm long đường hô hấp trên hoặc viêm đường tiêu hóa trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khác của bệnh khoảng vài tuần.

4. Đường lây truyền bệnh Viêm đa rễ dây thần kinh

Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh không lây truyền từ người bệnh sang người lành.

5. Đối tượng nguy cơ bệnh

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên bao gồm

  • Đái tháo đường
  • Suy thận tăng ure máu
  • Suy giáp
  • Thiếu hụt vitamin B12
  • Nghiện rượu
  • Đang dùng thuốc điều trị ung thư, hoặc các thuốc tiêu sợi huyết như Streptokinase
  • Bệnh lý tự miễn và nhiễm trùng như: Streptococcus B, HIV, nhiễm amyloid, hội chứng Sjogren.

6. Phòng ngừa bệnh

Các biện pháp giúp phòng ngừa, hạn chế diễn tiến của bệnh viêm đa rễ dây thần kinh bao gồm:

  • Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý thay đổi loại thuốc hay ngưng dùng thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Xây dựng một lối sống lành mạnh, luyện tập thể thao
  • Không lạm dụng rượu
  • Nếu đã được chẩn đoán bệnh, cần tái khám theo hẹn để theo dõi diễn tiến của các triệu chứng, và phát hiện sớm các di chứng nếu có để phục hồi chức năng sớm.

7. Các biện pháp chẩn đoán

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm đa rễ dây thần kinh chỉ mang tính chất gợi ý. Việc chẩn đoán chính xác bệnh cần sự hỗ trợ của các xét nghiệm cận lâm sàng và phương tiện chẩn đoán hình ảnh:

  • Xét nghiệm dịch não tủy: có hiện tượng phân ly đạm tế bào khoảng 1 tuần sau khi khởi phát bệnh, nghĩa là protein tăng trong khi số tế bào bình thường hoặc giảm. Xét nghiệm dịch não tủy quá sớm có thể thấy protein không tăng, lúc này không được chủ quan loại trừ bệnh.
  • Điện cơ đồ: đo tốc độ dẫn truyền thần kinh của các rễ và sợi thần kinh bị ảnh hưởng. Tốc độ dẫn truyền thường giảm hoặc mất, thời gian dẫn truyền tiềm tàng kéo dài.

Xét nghiệm dịch não tủy và điện cơ đồ là hai xét nghiệm cơ bản nhất để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra bệnh nhân còn cần được làm các xét nghiệm khác như công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng,…

8. Các biện pháp điều trị bệnh

Bệnh nhân cần được nhập viện điều trị khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm đa rễ dây thần kinh, đặc biệt là thể cấp tính hay hội chứng Guillain-Barre. Nguyên tắc điều trị bệnh bao gồm:

  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh nếu được tìm ra: điều trị các tác nhân nhiễm trùng, kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân, ngưng sử dụng các thuốc độc thần kinh.
  • Cung cấp đầy đủ năng lượng cho người bệnh, trung bình khoảng 2600kcal/ngày
  • Bù đủ dịch và các chất điện giải
  • Lưu tâm đến việc phòng ngừa biến chứng do nằm bất động lâu như viêm loét, huyết khối tĩnh mạch sâu, loét dạ dày tá tràng do stress.
  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch: methyprednisolon được ưu tiên chỉ định.
  • Tiêm globulin huyết thanh, hoặc lọc huyết tương có thể có ích trong các trường hợp nghi ngờ bệnh lý miễn dịch.
  • Phối hợp với phục hồi chức năng: vật lý trị liệu, tập vận động, giúp dự phòng các biến chứng teo cơ cứng khớp
  • Điều chỉnh các rối loạn thần kinh thực vật như tăng huyết áp kịch phát, tụt huyết áp, một vài trường hợp phải sử dụng các thuốc vận mạch.

Trong trường hợp bệnh nhân suy hô hấp, cần được đưa vào khoa hồi sức tích cực để điều trị.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *