Viêm gan B: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do vi rút tấn công gan và có thể gây viêm gan cấp tính và mãn tính, ước tính có đến gần 1/3 dân số thế giới mắc bệnh, tỉ lệ mắc nhiều nhất tại các nước đang phát triển.

Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính gây bệnh gan ở Việt Nam như xơ gan và ung thư gan. Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao; ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.

Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể người bị nhiễm bệnh. Đường lây truyền viêm gan B chính ở Việt Nam là từ mẹ sang con. 

Hiện nay viêm gan B là bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin an toàn và hiệu quả. Vắc xin viêm gan B đã được đưa vào sử dụng từ năm 1982. Hiệu quả của vắc xin viêm gan B đạt 95% trong ngăn ngừa lây nhiễm và các hậu quả mãn tính của nó. Ở Việt Nam, tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh đã được triển khai từ năm 2003.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm gan B

Do virus — (HBV) gây ra.

Loại virus này có thể sống được 30 phút ở nhiệt độ 100 độ C; ở nhiệt độ -20 độ C có thể sống 20 năm.

Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm bệnh nếu xâm nhập vào cơ thể của người chưa tiêm vắc-xin. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể dao động từ 30 đến 180 ngày.

3. Triệu chứng bệnh Viêm gan B

Triệu chứng viêm gan B cấp tính

Thời gian ủ bệnh từ 1 – 6 tháng. Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính. Tuy nhiên, một số người có thể trải qua  triệu chứng viêm gan B giai đoạn đầu kéo dài vài tuần, bao gồm vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng (hạ sườn bên phải). Những trường hợp nặng sẽ có triệu chứng lơ mơ, hay buồn ngủ, đãng trí và sờ thấy gan to.

Biểu hiện lâm sàng: Sốt, vàng da(1 tuần sau khi bị nhiễm và có thể kéo dài đến 1-3 tháng), gan to, lách to. Hiếm khi thấy lòng bàn tay son hoặc dấu sao mạch  “spider nevi” (mạch máu li ti kết toả thành hình nhện như hoa thị trên da)

Viêm gan mạn tính

Phần lớn bệnh nhân viêm gan mạn tính không có triệu chứng gì. Một số người khác viêm mạn tính nặng vẫn có các triệu chứng của viêm cấp như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng.

Biểu hiện lâm sàng: Gan to, lòng bàn tay son, dấu sao mạch “spider nevi”. Khi bệnh mạn tính lâu ngày dẫn đến biến chứng xơ gan, bệnh nhân có thể bị báng bụng, vàng da, xuất huyết tĩnh mạch thực quản và dạ dày, xuất hiện tuần hoàn bàng hệ cửa- chủ do tăng áp lực tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch lớn nổi gồ thấy trên da và toả ra từ rốn hình đầu sứa), nữ hoá tuyến vú ở nam, tinh hoàn teo nhỏ (vì suy gan làm rối loạn nồng độ hormone giới tính trong cơ thể)

4. Đường lây truyền bệnh

Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể người bị nhiễm bệnh. Virus viêm gan B rất dễ lây. Khả năng lây nhiễm cao hơn HIV 100 lần.

Có 3 đường lây của viêm gan B, gồm: đường máu, từ mẹ sang con, đường tình dụ

Đường lây viêm gan B từ mẹ sang con: 

  • Đường lây truyền HBV rất đặc biệt, phần lớn xảy ra trong giai đoạn chu sinh hoặc những tháng đầu sau sinh, không lây qua nhau thai, đây là một cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất.
  • Mức độ lây nhiễm tùy thuộc vào nồng độ virus viêm gan B (HBV DNA) và tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mẹ có nồng độ HBV cao và HBeAg (+) thì khả năng lây truyền cho con càng cao.
  • Nếu mẹ có HBsAg thì tỉ lệ truyền cho con khoảng 20%. Nếu mẹ có HBcAg thì tỉ lệ truyền cho con là khoảng 90%, nếu mẹ có HBeAg thì con dễ bị viêm gan mãn tính. Tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể được ngăn chặn, nếu tiêm vaxcin cho trẻ trong vòng 12h sau khi sinh.
  • Virus viêm gan B có trong sữa mẹ với nồng độ rất thấp do đó lây truyền chủ yếu là do trẻ bú cắn vào vú mẹ gây trầy xước, chảy máu dẫn đến lây nhiễm.

Viêm gan B lây qua đường máu: 

  • Nếu da hoặc niêm mạc của chúng ta bị xây xước không toàn vẹn mà tiếp xúc với máu của người bị nhiễm HBV thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao. HBV cũng được tìm thấy trong dịch cơ thể khác như dịch âm đạo, tinh dịch, sữa mẹ, nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, phân, dịch mật vì vậy khi da hoặc niêm mạc bị tổn thương mà tiếp xúc với các dịch này thì cũng có thể bị lây nhiễm HBV nhưng với tỉ lệ rất thấp.
  • Tái sử dụng kim và ống tiêm: Việc lây truyền bệnh cũng có thể xảy ra thông qua việc tái sử dụng kim và ống tiêm trong môi trường chăm sóc sức khỏe hoặc giữa những người tiêm chích ma túy.
  • Nhiễm máu nhiễm bệnh: Nhiễm virus viêm gan B xảy ra trong quá trình y tế, phẫu thuật và nha khoa, thông qua hình xăm hoặc thông qua việc sử dụng dao cạo và các vật tương tự bị nhiễm máu nhiễm bệnh.

Viêm gan B lây qua đường tình dục:

Khi quan hệ tình dục không an toàn ( không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng chung dụng cụ tình dục) với người bị viêm gan siêu vi B, bạn cũng sẽ có khả năng bị nhiễm HBV. Virus có trong dịch tiết của người nhiễm sẽ thâm nhập vào cơ thể bạn qua các vết xước nhỏ và sau đó, xâm nhập vào máu gây nhiễm HBV. Hình thức lây truyền qua đường tình dục đặc biệt hay gặp ở những người đàn ông không được tiêm chủng có quan hệ tình dục đồng giới có nhiều bạn tình hoặc tiếp xúc với gái mại dâm.

5. Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm gan B

  • Những người thường xuyên phải truyền máu hoặc các sản phẩm máu, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, người được ghép tạng.
  • Người sống trong các nhà tù.
  • Người tiêm chích ma túy.
  • Tiếp xúc trong gia đình và tình dục của những người bị nhiễm HBV mạn tính.
  • Những người có nhiều bạn tình.
  • Nhân viên y tế và những người khác có thể tiếp xúc với máu và các sản phẩm máu thông qua công việc của họ.

6. Phòng ngừa bệnh

Tiêm vắc-xin viêm gan B

Đây là biện pháp phòng ngừa chính trong phòng ngừa viêm gan B. WHO khuyến cáo cần tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng. Tiêm vắc-xin viêm gan B có tác dụng tạo ra kháng thể bảo vệ ở hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên. Hiệu quả bảo vệ cao, kéo dài ít nhất 20 năm và có thể là suốt đời nếu nồng độ kháng thể kháng virus được tạo ra sau chích ngừa lớn > 1000 IU/L.

Đối tượng cần tiêm chủng:

  • Tất cả những người chưa có kháng thể chống vi khuẩn viêm gan B (Anti – HBs), nên tiêm phòng vắc xin viêm gan B càng sớm càng tốt đặc biệt là những người sống ở các quốc gia có tỷ lệ lưu hành HBV cao trong đó có Việt Nam
  • Những đối tượng có nguy cơ cao kể trên
  • Khách du lịch chưa hoàn thành liệu trình vắc-xin viêm gan B của họ, những người nên được cung cấp vắc-xin trước khi đi đến các khu vực có tỷ lệ lưu hành HBV cao.

Hạn chế uống bia, rượu, có chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau quả ít dầu mỡ; những người xơ gan nên giảm muối trong chế độ ăn.

Cẩn trọng với các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thể gây hại cho gan (đặc biệt là thuốc Bắc thuốc Nam không rõ nguồn gốc)

Sát trùng cẩn thận khi bị thương, chảy máu

Sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm

Không dùng chung kim tiêm

Không sử dụng chung dụng cụ hoặc phải được sát trùng trước khi xăm người, châm cứu, xỏ lỗ tai

7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Bác sĩ có thể dựa vào bệnh sử, tiền sử, thăm khám lâm sàng kết hợp làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.

Xét nghiệm bao gồm 2 phần: xét nghiệm máu để tìm kháng nguyên, kháng thể HBV, đánh giá chức năng gan và chẩn đoán hình ảnh gồm siêu âm, CT scan, sinh thiết gan.

8. Các biện pháp điều trị bệnh

Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm: nồng độ virus HBV DNA trong cơ thể bệnh nhân và trong một số trường hợp có thể phải sinh thiết gan nhằm đưa ra phác đồ điều trị viêm gan B thích hợp. Việc điều trị chủ yếu là ngăn chặn sự sinh sôi, nhân lên của virus hoặc các chất làm rối loạn quá trình tổng hợp, tự nhân lên của virus.

Các trường hợp mẹ đã nhiễm HBV, sau sinh em bé cần được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống virus HBV

Khi mắc bệnh, cần tăng cường đề kháng của cơ thể bằng nghỉ ngơi, chế độ ăn uống cần chú ý đến các loại thực phẩm có lợi cho gan, hạn chế uống rượu. Rượu không những gây ra xơ gan mà còn hỗ trợ quá trình sao chép, sinh sản của virus viêm gan nên làm tăng số lượng virus lưu hành trong máu và từ đó là suy giảm khả năng chống chọi của tế bào gan trước sự tấn công của virus.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *