Viêm mao mạch dị ứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Viêm mao mạch dị ứng

Bệnh viêm mao mạch dị ứng hay bệnh Henoch – Schonlein (HSP) là bệnh lý thứ phát cấp tính với nguyên nhân chủ yếu là rối loạn tự miễn dịch gây tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan trong cơ thể gây viêm và chảy máu trong các mao mạch nhỏ ở da, khớp, ruột, thận của người bệnh.

Tình trạng này được gọi là viêm mạch máu dẫn đến tình trạng các mạch máu của các cơ quan bị rò rỉ gây ra các biến chứng với hậu quả nghiêm trọng.

Viêm mao mạch dị ứng là bệnh lý liên quan đến rối loạn tự miễn dịch nên bệnh không lây lan giữa người bệnh với người tiếp xúc.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm mao mạch dị ứng

Hiện nay, nguyên nhân viêm mao mạch dị ứng vẫn còn chưa được biết rõ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra bệnh viêm mao mạch dị ứng có liên quan đến trong các trường hợp sau đây:

  • Khởi phát sau khi người bệnh mắc các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp trên khoảng vài tuần trước khi xuất hiện triệu chứng với tỷ lệ khoảng từ 30 – 50%.
  • Nguyên nhân do các vi khuẩn hoặc virus như tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn lao, nấm. Một số trường hợp bệnh xuất hiện sau khi người bệnh sử dụng thuốc, sau khi tiêm phòng vacxin và sau khi bị côn trùng đốt.
  • Bệnh còn liên quan đến cơ địa dị ứng, viêm da dị ứng, sau khi ăn các thức ăn lạ, khi thay đổi thời tiết.

3. Triệu chứng bệnh Viêm mao mạch dị ứng

Những triệu chứng hay gặp nhất của bệnh viêm mao mạch dị ứng gồm có:

  • Hay gặp nhất là nổi ban xuất huyết dưới da dạng chấm và nốt ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông, đùi … không ngứa. Các nốt ban ít gặp ở thân mình, đôi khi xuất hiện ở tai, mũi, bộ phận sinh dục.
  • Đau khớp: gặp trong 75% trường hợp bị viêm mao mạch dị ứng. Các vị trí khớp gần kề với vị trí xuất huyết bị ảnh hưởng gây đau, hạn chế cử động, phù quanh khớp, đau gân.
  • Các triệu chứng tiêu hóa: Bệnh nhân xuất hiện đau bụng quanh rốn, đau âm ỉ, liên tục. Bệnh nhân có thể đau ở vùng thượng vị, lan tỏa hoặc khu trú cùng với các hiện tượng nôn và buồn nôn. 
  • Các triệu chứng kèm theo như xuất huyết tiêu hóa, viêm cầu thận, đi tiểu ra máu, protein niệu.
  • Viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em: Bệnh viêm mao mạch dị ứng ngoài các triệu chứng như nổi các ban xuất huyết dạng chấm, nôn, đau bụng … ra còn gây ra sự khó chịu cho trẻ nhỏ dẫn tình trạng trẻ nhỏ quấy khóc, bỏ ăn… Bố mẹ cần theo dõi trẻ liên tục đồng thời đưa đến khám bác sĩ ngay khi phát hiện triệu chứng. Nếu bệnh để lâu sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan như tim phổi gây nên các triệu chứng nặng nề, khó điều trị và rất nguy hiểm đến tính mạng.

4. Đối tượng nguy cơ bệnh

Bệnh viêm mao mạch dị ứng gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em và những người trẻ tuổi thường xuyên xảy ra với tỉ lệ khoảng 75% dưới 16 tuổi, 50% dưới 5 tuổi đồng thời tỷ lệ mắc bệnh ở nam nhiều hơn nữ.

Khi có các triệu chứng bệnh, người bệnh cần đi khám để có biện pháp điều trị sớm đạt kết quả tốt.

5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Việc chẩn bệnh viêm mao mạch dị ứng dựa vào biểu hiện việc khám lâm sàng kết hợp với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Người bệnh nên đi khám khi xuất hiện những triệu chứng có liên quan đến bệnh như phát ban, đau khớp, các biểu hiện về đường tiêu hóa.

Những phương pháp chẩn đoán hay sử dụng như:

  • Thăm khám các triệu chứng lâm sàng của người bệnh để đưa ra chẩn đoán, cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, xuất huyết do nhiễm trùng, các bệnh tự miễn, bệnh đường tiêu hóa, bệnh thận.
  • Xét nghiệm máu đánh giá tình trạng bệnh, đánh giá chức năng các cơ quan như thận, đường tiêu hóa, đánh giá nồng độ kháng thể bất thường.
  • Sinh thiết trong các trường hợp triệu chứng không rõ ràng, cần sinh thiết để tìm nguyên nhân.
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tìm căn nguyên bệnh và loại trừ các nguyên nhân khác.

6. Các biện pháp điều trị bệnh

Việc điều trị viêm mao mạch dị ứng không có liệu pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, bảo vệ thành mạch, chống dị ứng:

  • Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm để điều trị các triệu chứng đau khớp, dị ứng…
  • Điều trị các triệu chứng về xuất huyết tiêu hóa, các bệnh lý về thận khi cần thiết như truyền hồng cầu và các chế phẩm máu.
  • Điều trị kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc khi đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn.
  • Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi thường xuyên, bổ sung vitamin C để tăng cường sức bền thành mạch.

Trong mọi trường hợp, việc điều trị của người bệnh phải tuân thủ triệt để phác đồ của bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến việc điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *