Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

1. Tổng quan bệnh Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là một tổn thương thường gặp ở những người chơi tennis nên gọi được gọi với tên khác là hội chứng Tennis elbow. Lồi cầu ngoài xương cánh tay là mỏm xương nhô ra ở phía trên và ngoài khớp khuỷu. Đây là tình trạng bệnh lý đặc trưng với viêm các gân cơ duỗi bám vào mỏm lồi cầu ngoài của xương cánh tay, nặng hơn có thể có rách gân cơ, tụ máu ở các tổ chức phần mềm xung quanh.

Độ tuổi thường gặp của bệnh là từ 30-50 tuổi, ở những đối tượng có các yếu tố nguy cơ, chiếm 1-3% dân số trong cộng đồng. Bệnh lành tính, kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng, đôi khi cả năm. Phần lớn các trường hợp có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhiều. Tuy nhiên nếu tiến triển không thuận lợi, người bệnh cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị dứt điểm, tránh bệnh diễn tiến kéo dài, mãn tính, gây biến chứng thoái hóa và xơ hóa gân duỗi.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Nguyên nhân viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường liên quan đến những người chơi thể thao có sử dụng tay nhiều như người chơi tennis, cầu lông, golf, người chèo thuyền,…. Hoặc các nghề nghiệp cần vận dụng nhiều các cơ bắp cẳng tay như họa sĩ, nhạc công, ngư dân, thợ mộc. Cơ chế trực tiếp gây bệnh là do sự căng quá mức của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay, đặc biệt là khi thực hiện các động tác đối kháng ở tư thế ngửa bàn tay.

Một số trường hợp, tuy không phải vận dụng sức cơ vùng khủy nhiều, các động tác được thực hiện sai cách, đột ngột hay quá tầm cũng là nguyên nhân gây ra các tổn thương cho cơ như rách gân cơ duỗi và màng xương ở vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay. Tại vị trí bám của gân, có hiện tượng viêm phản ứng, tăng sinh mạch và phù nề các tổ chức xung quanh.

3. Triệu chứng bệnh Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bao gồm:

  • Đau: đây là triệu chứng mà hầu hết bệnh nhân phải đối mặt. Đau xuất hiện ở vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay do tổn thương viêm hoặc đứt gân cơ, đôi khi lan rộng xuống cẳng tay và cổ tay. Người bệnh cảm giác đau ngay cả khi nghỉ ngơi và tăng đau khi thực hiện các động tác duỗi cổ tay, cẳng tay, nâng vác vật nặng. Khi thăm khám, phát hiện điểm đau chói ở vùng lồi cầu hoặc cạnh lồi cầu.
  • Hạn chế vận động: là hậu quả của triệu chứng đau, các động tác duỗi, ngửa bàn tay và cầm nắm đồ vật bị hạn chế. Thậm chí các động tác cơ bản hằng ngày như cầm viết, đánh răng cũng bị cản trở.
  • Tê rần, hoặc ngứa, nóng ran ở vùng khuỷu tay, lan lên cánh tay hoặc xuống tận các ngón tay.

Các triệu chứng đa phần sẽ tiến triển từ từ, kéo dài trong nhiều tháng.

4. Đường lây truyền bệnh Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay không lây truyền từ người bệnh sang người lành.

5. Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Những người có các đặc điểm sau đây có khả năng mắc bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay cao hơn những người khác:

  • Yếu tố nghề nghiệp: làm các công việc phải sử dụng tay nhiều, lặp đi lặp lại các động tác bằng tay như nhạc công , thợ mộc, công nhân, vận động viên cầu lông, bóng chuyền, tennis, golf, ngư dân, …
  • Gặp phải các lỗi kỹ thuật khi thi đấu thể thao.

Tuy nhiên những yếu tố nguy cơ kể trên chỉ mang tính chất phổ biến. Những người không có các đặc điểm này vẫn có khả năng mắc hội chứng tennis elbow.

6. Phòng ngừa bệnh Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Các biện pháp giúp phòng tránh bệnh viêm lồi cầu xương cánh tay bao gồm:

  • Không thực hiện các động tác quá tầm hay vận động các cơ duỗi quá đột ngột.
  • Khi chơi tennis, cần lựa chọn những chiếc vợt phù hợp về kích thước và sức cầm của tay. Điều chỉnh lực căng của vợt cho thích hợp.
  • Trước khi chơi thể thao cần khởi động kỹ, đặc biệt không được quên nhóm các động tác giúp giãn cơ vùng khuỷu.
  • Tập chơi theo cách chuyên nghiệp, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của từng môn thể thao.
  • Thực hiện đúng các động tác khi tập luyện.
  • Nên mang băng bảo vệ tay khi chơi.
  • Cần có thời gian nghỉ giữa giờ để các cơ được nghỉ ngơi, tránh hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần.
  • Tập luyện các bài tập rèn luyện sức cơ của nhóm cơ vùng khuỷu tay.

7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Việc chẩn đoán tình trạng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay chủ yếu dựa vào việc khai thác bệnh sử, các yếu tố nguy cơ và các  triệu chứng lâm sàng. Các xét nghiệm cận lâm sàng và phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp ích vào việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự với bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay như:

  • Thoái hóa khớp khuỷu
  • Hội chứng ống cổ tay
  • Viêm bao hoạt dịch khớp khuỷu tay
  • Bệnh lý chèn ép rễ thần kinh vùng cột sống cổ.
  • Rối loạn thần kinh

Xét nghiệm bilan viêm và Xquang vùng khớp khuỷu tay của bệnh nhân viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay đều mang lại kết quả bình thường.

Siêu âm gân cơ vùng khuỷu cho hình ảnh gân cơ to hơn, giảm âm hơn bình thường. Đôi khi còn phát hiện tổn thương đứt gân một phần hay hoàn toàn, vôi hóa trong gân, tăng sinh mạch máu dưới phổ doppler.

Chụp cộng hưởng từ MRI: cho hình ảnh chi tiết hơn về các tổn thương của gân cơ, dây chằng vùng khớp khuỷu.

8. Các biện pháp điều trị bệnh Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay không khó nhưng cần phối hợp nhiều phương pháp với nhau để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Thuốc

Các loại thuốc thường được chỉ định để giúp bệnh nhân giảm đau, giảm viêm tại chỗ và giãn cơ như:

  • Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin
  • Thuốc chống viêm không steroid: có nhiều dạng hoạt chất với các cách dùng khác nhau bao gồm dạng gel dùng bôi ngoài da như diclofenac, profenid; dạng viên dùng theo đường uống như diclofenac, meloxicam, etoricoxib, celecoxib.
  • Corticosteroid: thường dùng đường tiêm tại chỗ, chỉ định khi bệnh nhân đau nhiều, đau kéo dài, không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường hay nhóm thuốc kháng viêm không steroid. Methylprednisolone acetat, bethamethasone là các thuốc thường được sử dụng. Khi tiêm chỉ nên tiêm một liều duy nhất, nếu muốn lặp lại cần dùng cách liều trước đó ít nhất 3 tháng. Việc tiêm trực tiếp thuốc vào nơi tổn thương có các tác dụng phụ như nhiễm trùng, teo da tại vùng tiêm, tổn thương chỗ bám của gân vùng khuỷu.

Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ vì có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, nhất là khi lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm trong thời gian dài.

Vật lý trị liệu

  • Chườm lạnh ở vùng tổn thương để giảm đau. Chườm lạnh trong vòng khoảng 10-15 phút, lặp lại nhiều lần trong ngày có hiệu quả trong việc giảm đau.
  • Không nên sử dụng các loại dầu nóng hay thuốc để tự xoa bóp, nắn chỉnh vì có thể gây viêm kéo dài, rất khó để điều trị.
  • Sử dụng laser lạnh, loại sóng ngắn, hay điện phân để giảm đau.
  • Mang các băng hỗ trợ cẳng tay trong lao động để làm giảm sự căng kéo các cơ duỗi ở khớp khuỷu.

Phẫu thuật

Chỉ định khi các phương pháp kể trên không đem lại hiệu quả hoặc bệnh tái phát quá nhiều lần. Một số cách thức phẫu thuật được áp dụng trong điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bao gồm:

  • Cắt ngắn, kéo dài, tạo hình gân cơ duỗi để ngăn các hoạt động quá tầm.
  • Loại bỏ các tổ chức hư hỏng của gân duỗi
  • Giải phóng gân duỗi khỏi mỏm lồi cầu.

Phẫu thuật có thể được tiến hành bằng nội soi với các ưu điểm như ít xâm lấn, ít đau, bảo đảm tính thẩm mỹ.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý hạn chế vận động, giảm các động tác duỗi và ngửa mạnh cổ tay. Bệnh nhân tuyệt đối không được cố gắng tiếp tục chơi thể thao vì làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, gây rách gân hoặc tạo thành máu bầm, hạn chế kết quả điều trị.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *