Viêm mào tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Viêm mào tinh hoàn

Mào tinh hoàn là một ống cuộn tròn, hình chữ C, nằm phía trên tinh hoàn, nhìn giống như mào gà nên được gọi là mào tinh.

Mào tinh hoàn gồm 3 phần:

  • Phần đầu phình to ở trên và gắn với tinh hoàn bằng các ống xuất
  • Phần thân và phần đuôi nhỏ lại so với phần đầu

Bên trong của đầu mào tinh hoàn gồm các ống xuất cuộn lại tạo thành các tiểu thùy, khi đi hết phần đầu của mào tinh hoàn, các ống xuất đổ vào một ống đơn gọi là ống mào tinh, nếu kéo thẳng ra thì độ dài vào khoảng 4 – 6m.

Ống mào tinh được bao bọc lấy bởi những tế bào cơ trơn. Sự co bóp của tế bào cơ trơn có tác dụng đẩy tinh trùng ra ngoài ống mào tinh mỗi khi xuất tinh. Sau khi tinh trùng được sinh ra ở tinh hoàn, tinh trùng chuyển sang mào tinh để phát triển hoàn thiện.

Mào tinh vừa là nơi chứa tinh trùng, vừa là nơi cho tinh trùng trưởng thành. Sau đó, tinh trùng sẽ đi đến ống dẫn tinh để được xuất tinh ra ngoài.

Bệnh viêm mào tinh hoàn là tình trạng sưng viêm xảy ra khu trú tại mào tinh hoàn, có thể do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn. Viêm mào tinh hoàn có thể được chia thành cấp tính hoặc mãn tính dựa vào khoảng thời gian tồn tại của các triệu chứng.

  • Viêm mào tinh hoàn cấp tính (dưới 6 tuần) đầu tiên ảnh hưởng lên đuôi mào tinh. Sau đó có thể lan đến toàn bộ mào tinh. Viêm mào tinh nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tiến triển đến viêm tinh hoàn, viêm dây tinh hoặc diễn tiến thành mãn tính. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn và tắc đường dẫn tinh dẫn đến vô sinh.
  • Viêm mào tinh hoàn mãn tính có thể dẫn đến biến chứng áp xe bìu, vô sinh ở nam giới.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm mào tinh hoàn

Nguyên nhân gây viêm mào tinh hoàn bao gồm:

  • Nhiễm trùng ngược dòng từ đường niệu
  • Nhiễm khuẩn qua đường tình dục
  • Chấn thương
  • Epididymo-orchitis
  • Dùng thuốc điều trị bệnh lý tim mạch amiodarone
  • Viêm mào tinh hoàn hóa học: nước tiểu chảy ngược vào trong mào tinh hoàn. Tình trạng này có thể xảy ra do nâng vật nặng hoặc căng thẳng.

Có nhiều loại tác nhân khác nhau có thể gây viêm mào tinh hoàn bao gồm:

  • Vi khuẩn thường: Escherichia coli
  • Các chủng khác: trực khuẩn lao, ký sinh trùng giun chỉ, sán lá, lậu cầu, Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae
  • Siêu vi, nấm: hiếm gặp

3. Triệu chứng bệnh

Đau và sưng là những dấu hiệu phổ biến nhất.

Triệu chứng viêm mào tinh hoàn phụ thuộc vào nguyên nhân. Có thể bao gồm:

  • Sưng, đỏ hoặc ấm bìu
  • Tinh hoàn thường đau ở một bên, những cơn đau có thể sẽ nặng hơn khi đi tiểu
  • Đi tiểu đau hoặc thường xuyên đi tiểu
  • Đau khi giao hợp hay xuất tinh
  • Ớn lạnh và sốt 39 – 40oC
  • Sưng hạch bạch huyết ở bẹn (hạch bẹn)
  • Đau hoặc khó chịu ở bụng dưới hoặc vùng xương chậu
  • Chảy dịch, mủ ra từ dương vật
  • Có máu trong tinh dịch
  • Có khối u trên tinh hoàn

4. Đường lây truyền bệnh

Viêm mào tinh hoàn có thể lây truyền ngược dòng từ đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn qua đường tình dục.

5. Đối tượng nguy cơ bệnh

Nam giới ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm mào tinh hoàn nhưng phổ biến nhất là độ tuổi từ 20 đến 39, người trung niên và người già rất hiếm khi mắc bệnh.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm mào tinh hoàn do lây truyền qua đường tình dục:

  • Hành vi tình dục nguy cơ cao: có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với người bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su.
  • Đã từng bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm mào tinh hoàn không do lây truyền qua đường tình dục:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính
  • Nhiễm trùng hoặc phì đại tuyến tiền liệt
  • Bất thường của đường tiết niệu
  • Chưa cắt hoặc không cắt da quy đầu dương vật
  • Thủ thuật có ảnh hưởng đến đường tiết niệu như đặt ống thông tiểu, …

6. Phòng ngừa bệnh

Phòng ngừa viêm mào tinh hoàn:

  • Sinh hoạt tình dục an toàn, quan hệ tình dục một vợ một chồng, luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Khám sức khỏe định kỳ, siêu âm kiểm tra để phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời.
  • Điều trị cho bạn tình nếu viêm mào tinh hoàn là do lây truyền qua đường tình dục.

Phòng ngừa diễn tiến của viêm mào tinh hoàn:

  • Nghỉ ngơi trên giường
  • Nâng cao bìu
  • Chườm đá bìu để giảm đau
  • Mang dụng cụ bổ trợ (quần lót cố định bìu)
  • Tránh nâng vật nặng
  • Tránh quan hệ tình dục cho đến khi hết tình trạng nhiễm trùng

7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Khám lâm sàng hạch bạch huyết ở bẹn và tinh hoàn hai bên. Khám trực tràng và tuyến tiền liệt. Ngoài ra có thể thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán viêm mào tinh hoàn:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng
  • Xét nghiệm dịch tiết niệu đạo, nhuộm Gram để phát hiện tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, kháng sinh đồ để giúp chọn lựa kháng sinh thích hợp
  • Siêu âm Doppler để loại trừ xoắn tinh hoàn hoặc khối u tinh hoàn
  • Chụp tinh hoàn

8. Các biện pháp điều trị bệnh

Viêm mào tinh hoàn cấp hay mãn tính thường được điều trị bằng thuốc. Đa số các trường hợp viêm mào tinh hoàn sẽ hết trong ba tháng.

  • Viêm mào tinh hoàn do lây truyền qua đường tình dục hay do nhiễm khuẩn khác được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường tiêm hoặc đường uống do bác sĩ chỉ định.

Lưu ý khi điều trị thuốc: Tuân thủ liệu trình điều trị theo y lệnh của bác sĩ, dùng kháng sinh phải đúng thuốc, đủ liều, đúng giờ, đủ thời gian. Không được ngừng điều trị ngay cả khi triệu chứng đã cải thiện để kết quả điều trị được triệt để, tránh tái phát. Thông thường bệnh sẽ cải thiện sau vài ngày điều trị, nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm cần đến khám bác sĩ để thay đổi loại thuốc kháng sinh khác. Tái khám đúng theo lịch hẹn.

  • Điều trị hỗ trợ bao gồm nằm nghỉ ngơi, tránh vận động, dùng thuốc giảm đau.
  • Điều trị cho bạn tình nếu đã xác định được nguyên nhân gây bệnh là lây truyền qua đường tình dục.
  • Phẫu thuật làm sạch trong trường hợp có biến chứng áp xe bìu.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *