Răng khôn mọc ở đâu?

1. Vị trí của Răng khôn

Răng khôn mọc ở đâu? Răng khôn là răng hàm lớn thứ ba (còn gọi là răng số 8 hoặc răng cối lớn thứ ba), mọc vị trí trong cùng của cung hàm. Răng khôn là những răng mọc lên sau cùng của hàm, thường mọc vào độ tuổi từ 17-25.

Theo lý thuyết thì ở người trưởng thành có 32 chiếc răng vĩnh viễn, trong đó có 4 chiếc răng khôn mọc ở vị trí cuối 4 góc hàm. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa mỗi người, mà có thể chỉ mọc 1,2,3 chiếc hoặc không mọc răng khôn. Vị trí mọc và kiểu mọc răng khôn cũng rất khác nhau, có thể gặp các trường hợp:

  • Răng khôn không mọc: khi đã quá độ tuổi trưởng thành mà vẫn không có dấu hiệu mọc răng khôn thì có thể chúng sẽ mãi nằm yên dưới xương hàm. 
  • Răng khôn mọc thẳng: ở một số người, các răng khôn đều mọc thẳng, không xâm lấn qua các răng bên cạnh. Quá trình răng mọc có thể gặp sốt, đau nhức, sưng lợi,… Khi răng nhú các triệu chứng trên sẽ hết, quá trình ăn nhai trở lại bình thường.
  • Răng khôn mọc ngầm, mọc lệch là trường hợp phổ biến, hay gặp nhất. Người bệnh sẽ gặp những cơn đau dữ dội, nướu đỏ, sưng to và tác động tiêu cực đến sức khỏe.

2. Cấu tạo của Răng khôn

Răng khôn gồm có thân răng và chân răng. Thân răng là phần nằm phía trên nướu, chân răng là phần nằm sau dưới xương hàm, được giữ chặt bởi các dây chằng nha chu. Số lượng chân răng tùy thuộc loại răng và vị trí của răng. Răng khôn có số lượng chân răng không cố định.

Răng khôn có cấu tạo như các răng thông thường, gồm 3 phần:

  • Men răng là lớp ngoài cùng, bao bọc thân răng. Men răng được cấu tạo từ 96% chất vô cơ, rất cứng, có thể chịu được những lực tác động mạnh.
  • Ngà răng nằm trong men răng, không cứng bằng men răng, có màu vàng nhạt, hơi xốp và có tính thấm. Ngà răng chiếm phần lớn khối lượng răng. Ngà răng được cấu tạo từ 70% chất vô cơ, 30% là chất vô cơ và nước. Ngà răng chứa các ống thần kinh nên khá nhạy cảm với các tác động nhiệt độ nóng, lạnh bên ngoài.
  • Tủy răng nằm trong buồng tủy và ống tủy. Tủy răng chứa các mạch máu, dây thần kinh, mạch hạch,… giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi răng.

3. Chức năng của Răng khôn

Răng khôn có tác dụng gì? Răng khôn không có nhiều vai trò trong nhai nghiền thức ăn. Mặc khác, do cung hàm chỉ đủ vị trí cho 28 chiếc răng, khi răng khôn mọc thì các mô mềm, niêm mạc đã phủ dày, nên khi mọc răng khôn thường có xu hướng mọc ngầm, mọc lệch, mọc ngang,… gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

  • Mọc răng khôn gây viêm nhiễm. Đây là biến chứng thường gặp nhất khi mọc răng khôn.  Do vùng nướu tại vị trí răng trồi lên sưng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây cảm giác đau nhức, cứng hàm, đôi khi có mủ chảy ra. Nếu nhiễm trùng không được điều trị kịp thời, vùng nhiễm trùng sẽ lan ra các vùng khác trong miệng như lưỡi, má trong, nướu, thậm chí gây nhiễm trùng máu. 
  • Khi răng khôn mọc sẽ gây tổn thương các răng và mô mềm xung quanh. Do không đủ diện tích để mọc răng, nên răng khôn có xu hướng đâm vào phần thân hoặc chân răng của răng hàm bên cạnh. Răng hàm số 7 do đó dễ bị tổn thương, lung lay, tạo điều kiện cho các vi khuẩn tấn công, gây sâu răng, viêm tủy răng. Khi răng khôn mọc lệch bên ngoài, bên trong má hoặc lưỡi sẽ gây tổn thương các vị trí răng khôn đâm trúng.
  • Các răng khôn mọc ngầm có thể thoái hóa thành các u, nang bệnh lý trong xương hàm, làm yếu xương hàm.
  • Răng khôn khi mọc ngầm hoặc mọc lệch sẽ chèn ép lên các dây thần kinh, gây rối loạn cảm giác ở môi,da, niêm mạc, các răng xung quanh
  • Răng khôn mọc ở vị trí trong cùng nên khó làm sạch. Nếu răng mọc lệch, mọc ngang, thức ăn sẽ dễ bám ở kẽ răng, chân răng dễ gây sâu răng.

4. Các bệnh thường gặp

  • Sâu răng

5. Những điều cần lưu ý

Khi quá trình mọc răng khôn gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, các nha sĩ thường chỉ định nhổ bỏ. Các nha sĩ sẽ lựa chọn phương pháp nhổ răng phù hợp với mức độ mọc của răng. Sau khi nhổ, vùng răng vừa nhổ có thể tiếp tục chảy máu trong ngày đầu tiên, các hiện tượng sưng đau, bầm, thâm tím cần khoảng một tuần để hồi phục. Nên chườm đá để giúp giảm đau, giảm sưng; uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa để răng không làm việc nhiều. Hạn chế ăn thức ăn quá cứng, không uống rượu bia, đồ uống có ga, không hút thuốc trong những ngày đầu sau nhổ răng.

Do răng khôn nằm ở vị trí có nhiều dây thần kinh đi qua. Nên dù hiếm gặp, quá trình nhổ răng khôn có thể làm tổn thương dây thần kinh gây mất cảm giác ở vùng môi, lưỡi, cằm. Nhổ răng khôn hàm trên có thể ảnh hưởng đến vùng xoang. Nên khi quyết định nhổ răng khôn, cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ cơ sở vật chất, nha sĩ có chuyên môn và tay nghề phù hợp.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *