Răng người trưởng thành có bao nhiêu chiếc?

1. Vị trí của Răng

Bộ răng người nằm trong ổ miệng, mỗi răng có chân răng dính chặt vào xương hàm.  Răng được giữ vững, cố định nhờ vào xương hàm nhờ các mô nha chu gồm nướu răng, dây chằng nha chu, xi măng gốc răng và xương ổ răng.

Thông thường vào khoảng 6 tháng tuổi, một đứa trẻ sẽ mọc chiếc răng sữa đầu tiên. Khoảng 2,5-3 tuổi, trẻ sẽ có một bộ đầy đủ 20 chiếc răng sữa. Đến 6 tuổi, các răng sữa sẽ bắt đầu lung lay và được thay thế dần bằng các răng vĩnh viễn, việc thay thế này sẽ kết thúc vào khoảng 12-13 tuổi.

Bộ răng ở người trưởng thành gồm 32 răng vĩnh viễn. Ở mỗi phần tư hàm sẽ có: 2 răng cửa  gồm một răng cửa giữa và một răng cửa bên, một răng nanh, hai răng hàm nhỏ và ba răng hàm lớn.

2. Cấu tạo của Răng

Các thành phần của răng:

Răng gồm có hai phần là thân răng và cổ răng, hai phần này phân cách với nhau bởi cổ răng (đường men- xi măng).

  • Thân răng: là phần trông thấy được ở trên cổ răng, thân răng gồm có 5 mặt là mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong và hai mặt hai bên.
  • Chân răng thường dài hơn thân răng, là phần được cắm vào xương ổ răng của xương hàm, được che phủ trên cùng bởi lợi bám ở cổ răng và tận cùng bằng chóp chân răng.  Mỗi chân răng có một buồng tủy có các mạch máu và thần kinh chạy qua. Tùy vào mỗi loại răng và vị trí của răng mà có số lượng chân răng khác nhau. Răng có 1 chân thường là các răng cửa trước, răng nanh. Các răng hàm nhỏ có từ 1 đến 2 răng. Răng hàm lớn thường có 3 chân răng, gồm hai chân ngoài và một chân trong. Số lượng chân răng ở răng khôn rất thất thường, không cố định.

Cấu trúc răng:

Răng được cấu tạo bởi ba phần là men răng, ngà răng và tủy răng.

  • Men răng: Thành phần gồm 96% là chất vô cơ, chủ yếu là Hydroxy apatid, 3% nước và 1% chất hữu cơ. Men răng được coi là  chất cứng nhất cơ thể, chúng có thể chịu được những lực tác động khá lớn từ bên ngoài. Men bao phủ thân răng và hầu như không có cảm giác.
  • Ngà răng: Thành phần gồm 70% chất vô cơ, 30% hữu cơ và nước. Ngà răng nằm trong men răng, có màu hơi vàng và khá xốp, chiếm phần lớn khối lượng răng.  Ngà răng ít cứng hơn men răng, ngà liên tục từ thân đến chân răng, tận cùng ở chóp răng (apex). Trong lòng chứa buồng tủy và ống tủy. Ngà răng có chứa các ống thần kinh Tomes, do đó ngà răng có cảm giác và khá nhạy cảm với các tác động nóng, lạnh bên ngoài. Phủ ngoài ngà chân răng là xi măng chân răng, là chỗ bám của dây chằng nha chu.
  • Tủy răng: Là mô lỏng lẻo trong buồng và ống tủy, đây là đơn vị sống chủ yếu của răng. Tủy răng kéo dài từ bên trong thân răng thẳng xuống đến cuối chân răng. Chân răng có lỗ mở ở phần sâu nhất trong xương hàm, qua lỗ mở này, cách mạch máu, hệ thống thần kinh, bạch mạch,… chạy vào hốc tủy, cung cấp dưỡng chất nuôi răng.

3. Chức năng của Răng

  • Chức năng nhai, nghiền thức ăn: Răng có chức năng nhai, nghiền nhỏ thức ăn trước khi thức ăn được đưa vào các cơ quan tiêu hóa bên trong. Răng cửa có chức năng cắn thức ăn, răng nanh dùng để xé thức ăn, trong khi răng hàm nhỏ và răng hàm lớn với mặt nhai có diện tích tiếp xúc lớn với răng đối diện, dùng để nghiền nát thức ăn
  • Chức năng phát âm: Răng đều và đầy đủ giúp quá trình phát âm được rõ chữ hơn. Một số ngôn ngữ khi phát âm cần có sự kết hợp giữa lưỡi, răng, miệng để phát ra âm được chính xác. Mất răng sẽ tạo ra những khoảng trống, âm phát ra sẽ không được chuẩn xác.  Nếu mất răng sữa sẽ khiến trẻ nói ngọng, phát ra âm không được rõ. Người lớn khi mất răng sẽ khó nói đúng giọng chuẩn.
  • Chức năng thẩm mỹ: Một hàm răng đẹp, đều đặn làm tôn lên vẻ đẹp của khuôn mặt. Răng đẹp làm nụ cười trở nên tươi sáng, duyên dáng hơn.

4. Các bệnh thường gặp

  • Nha chu
  • Sâu răng
  • Viêm nhiễm miệng

5. Những vấn đề cần lưu ý

Để có hàm răng đẹp và ngăn ngừa các bệnh về đường răng miệng, nên vệ sinh răng miệng đúng cách:

  • Đánh răng 2 lần/ ngày bằng bàn chải lông mềm, sử dụng kem đánh răng có fluoride để ngăn ngừa sâu răng.
  • Đánh răng đúng cách: nên đánh răng kỹ từ 2-3 phút, nhẹ nhàng dịch chuyển bàn chải qua lại trên răng, làm sạch mỗi răng. Chú ý chải đều ở các mặt răng và phần răng hàm phía trong cùng, là các vị trí dễ xảy ra sâu răng.
  • Hạn chế các thức ăn quá cứng hoặc dùng răng để mở nắp chai, cắn đồ,… Tác động các lực quá mạnh vào răng có thể gây hỏng men răng.
  • Sử dụng chỉ nha khoa thay tăm xỉa răng để loại trừ các mảng bám thức ăn.
  • Thăm khám răng miệng theo định kì để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bệnh lý bất thường và có biện pháp điều trị thích hợp.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *