Phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

1. Tổng quan về Phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Tên khoa học: Phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Kỹ thuật rất ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm không tạo vết thương mà chỉ đưa thiết bị vào qua da để lấy khối thoát vị, chỉ phải gây tê tại chỗ. Đây là kỹ thuật đem lại hiệu quả cao trong điều trị, khi bệnh nhân không mất máu, thời gian nằm viện ngắn, nhanh hồi phục hơn.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Thoát vị đĩa đệm

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

  • Người trưởng thành / Người cao tuổi.
  • Bệnh lý cột sống rất nhiều
  • Người bệnh có triệu chứng của bệnh lý về cơ xương khớp
  • Điều trị nội khoa thất bại sau 5-8 tuần.
  • Gây chèn ép thần kinh cấp tính
  • Thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ, thoát vị di trú

Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm thắt lưng cho hiệu quả cao, xâm lấn tối thiểu, không chảy máu, giảm thiểu sang chấn, người bệnh có thể đứng dậy đi lại chỉ vài giờ sau mổ và xuất viện ngay trong ngày.

3. Quy trình thực hiện

Có hai đường tiếp cận chính để thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng là đường qua lỗ liên hợp (đường bên) và đường liên bản sống (đường sau). 

  • Đường thứ nhất thích hợp cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm ngực và thắt lưng cao, từ L4-5 trở lên
  • Đường thứ hai phù hợp cho thoát vị đĩa đệm ở tầng thấp nhất là L5-S1 và L4-5.

Đối với đường mổ qua lỗ liên hợp, bệnh nhân được gây tê tại chỗ. Còn mổ qua đường liên bản sống, bệnh nhân thường được gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê. Khi gây mê, sẽ thuận lợi hơn cho kỹ thuật viên phẫu thuật vì bệnh nhân nằm im, dễ thao tác trong quá trình mổ. Dù vậy theo khuyến cáo, gây mê là quá trình có mức độ xâm lấn cao hơn nhiều so với gây tê tại chỗ hoặc gây tê ngoài màng cứng.

Bệnh nhân được mổ nội soi cột sống sẽ nằm sấp trên bàn mổ, đầu quay sang một bên nhìn vào màn hình đang quay cảnh mổ cho chính mình. 

Khi nội soi từ đường qua lỗ liên hợp, một kim sẽ được chích vào đĩa đệm qua da từ phía bên hông, vừa để gây tê, vừa dẫn đường cho các dụng cụ khác. Da được rạch ngay chỗ chích kim khoảng 7 mm rồi luồn một cây thông và ống thao tác vào. Một đường hầm được mở thông từ ngoài vào tới đĩa đệm.

Đối với nội soi đường liên bản sống, da được rạch ở giữa lưng, cây nong và ống thao tác được đưa vào tới dây chằng vàng. Sau khi cắt dây chằng vàng, ống nội soi được đưa trực tiếp vào ống sống và các thao tác còn lại gần giống như mổ hở hoặc mổ vi phẫu thuật.

Các dụng cụ tạo đường hầm được thiết kế vừa tạo được một đường hầm, vừa có chỗ để làm việc lại vừa che chắn được cho rễ thần kinh, ngăn ngừa dụng cụ mổ gây thương tổn cho rễ thần kinh. Ống nội soi được đưa vào qua đường hầm. Nhân nhầy và khối thoát vị được lấy đi bằng các dụng cụ gắp, cắt hoặc làm rã ra bằng điện cao tần. Sau cùng thì toàn bộ rễ thần kinh và các cấu trúc khác được quan sát tỉ mỉ trước khi kết thúc.

Sau khi xác định được là rễ thần kinh và bao rễ thần kinh đã được giải phóng hoàn toàn, tất cả các dụng cụ được rút ra, vết mổ được băng lại chứ không cần khâu. Toàn bộ quá trình mổ khoảng 30 phút. Sau mổ người bệnh nằm nghỉ vài giờ là đã có thể đi lại được. Tuy nhiên, để an toàn, trong 24 giờ đầu người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh.

4. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Từ ngày thứ 3 có thể đứng dậy với sự trợ giúp của y tá và sự hướng dẫn của nhân viên vật lý trị liệu.
  • Để đứng lên: trong khi đang ở tư thế nằm, co chân lại, xoay nghiêng sang một bên, chân rời khỏi thành giường, đồng thời dùng tay đẩy người lên, rồi đứng thẳng lên.
  • Để nằm xuống: làm ngược lại với tư thế đứng lên.
  • Trong 4 ngày đầu nên tránh ngồi lâu, tuy nhiên có thể ngồi khi thay đổi tư thế và đi vệ sinh.
  • Phải đi lại đều đặn. Không ở trên giường suốt ngày, như đi dạo, ra khỏi phòng, nếu có thể. Thử đi lên hay xuống cầu thang, nếu không có điều kiện tập phục hồi chức năng, thì chú ý một vài lời khuyên sau: như không nên gắng sức, cần phải tránh vận động mạnh làm xuất hiện những dấu hiệu như mệt mỏi hay đau. 

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Di chuyển khó khăn, gần như không thể tập phục hồi chức năng mặc dù có sự giúp đỡ của y tá
  • Đứng lên khó khăn và cảm thấy đau mỏi khi vận động 

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *