Chụp cộng hưởng từ tầng trên ổ bụng có khảo sát mạch các tạng

1. Tổng quan về Chụp cộng hưởng từ tầng trên ổ bụng có khảo sát mạch các tạng (bao gồm mạch: gan, tụy, lách và mạch khối u)

  • Tên khoa học: Chụp cộng hưởng từ tầng trên ổ bụng có khảo sát mạch các tạng (bao gồm mạch: gan, tụy, lách và mạch khối u)
  • Tên thường gọi: Chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng

Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng là một phương pháp giúp chẩn đoán và phát hiện những bệnh lý trong ổ bụng không xâm lấn và tiên tiến nhất hiện nay. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ có độ phân giải cao, khảo sát được nhiều mặt cắt cho hình ảnh sắc nét về các bộ phận cần chụp, giúp bác sĩ đánh giá chi tiết các tổn thương, các chức năng hoạt động cũng như cấu trúc của nhiều cơ quan nội tạng.

Kỹ thuật này dùng để chẩn đoán bệnh gì?

  • U tuyến thượng thận

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh nhân có nghi ngờ tổn thương có nguồn gốc xuất phát từ hệ mạch máu cấp máu cho tạng
  • Các bệnh lý gan, thận, lách, tụy và đường mật.
  • Các bệnh lý bẩm sinh và mắc phải của động mạch chủ bụng: hẹp động mạch, căng phồng động mạch, thông động tĩnh mạch,…
  • Chấn thương vùng bụng.
  •  Các khối u vùng bụng: u gan, u tuyến thượng thận, u tụy,…

Chống chỉ định:

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Người bệnh mang các thiết bị điện tử như: máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, cấy ghép ốc tai, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, Neurostimulator…
  • Các kẹp phẫu thuật bằng kim loại nội sọ, hốc mắt, mạch máu < 6 tháng
  • Người bệnh nặng cần có thiết bị hồi sức cạnh người

Chống chỉ định tương đối:

  • Kẹp phẫu thuật bằng kim loại >6 tháng
  • Người bệnh sợ bóng tối hay sợ cô độc

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  •  Cộng hưởng từ không sử dụng tia X nên an toàn và không có các tác dụng phụ so với CT. Tuy nhiên, chụp cộng hưởng từ không được dùng để chụp cho các bệnh nhân có vật dụng kim loại hoặc các thiết bị hỗ trợ trong cơ thể vì có thể gây nguy hiểm và làm nhiễu hình ảnh.
  •  An toàn, không xâm lấn, không gây nhiễm xạ cho người bệnh.
  • Sử dụng cho nhiều đối tượng bệnh nhân.
  • Đánh giá được các chức năng hoạt động cũng như cấu trúc của nhiều cơ quan nội tạng.
  • Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho phép đánh giá chi tiết và rõ ràng các cấu trúc của mô mềm trong cơ thể như gan, thận,…
  • Đánh giá các bất thường mạch tạng (động mạch thận, động mạch gan, lách…), không dùng thuốc quang từ, không xâm nhập mà vẫn đánh giá được hình thái các mạch tạng.

Nhược điểm:

Không đánh giá được các tổn thương mạch nhỏ

4. Quy trình thực hiện

  • Bước 1: Sau khi được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI từ bác sĩ, bệnh nhân di chuyển đến khoa chẩn đoán hình ảnh sẽ được nhân viên phòng cộng hưởng từ tiếp đón và hướng dẫn thay đồ, tháo các vật dụng bằng kim loại trên người để đảm bảo an toàn trong khi chụp cộng hưởng từ. Khi vào phòng chụp được nhân viên hướng dẫn nằm ở tư thế thoải mái phù hợp với bộ phận chụp, giường sẽ tự động di chuyển đến vùng chụp.
  • Bước 2: Kỹ thuật viên sẽ lựa chọn và định vị cuộn thu tín hiệu
  • Bước 3: Di chuyển bàn chụp vào vùng từ trường của máy và định vị vùng chụp.
  • Bước 4: Chụp các chuỗi xung theo protocol chuẩn.

Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Đến nay, chưa thấy tác hại của từ trường đối với cơ thể. Nhưng do từ trường cao của máy có thể gây hại đến các thiết bị cấy ghép bằng kim loại bên trong cơ thể. Vì vậy, bệnh nhân cần thông báo cho nhân viên phòng chụp MRI về việc: Có đặt máy tạo nhịp tim, dùng van tim nhân tạo, dùng máy trợ thính, cấy ghép thiết bị điện tử, đinh nội tủy hay sử dụng kim loại kết hợp xương, mảnh đạn trong người, vòng tránh thai T Cu 380A, răng giả… vì mọi vật kim loại cần được lấy ra khỏi cơ thể trước khi chụp MRI.

5. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Một số trường hợp có thể phải tiêm thuốc cản từ để làm rõ các tổn thương, giúp bác sĩ quan sát được những bất thường. Sau tiêm thuốc, cơ quan cần khảo sát sẽ được chụp lại một lần nữa. Cần báo ngay cho kỹ thuật viên khi có các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt hoặc khó thở.

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Người bệnh cần nhịn ăn uống trong thời gian 5 giờ trước khi chụp đối với các bệnh nhân có chỉ định chụp ổ bụng (có thể uống nước thường).
  • Tháo và cất toàn bộ đồ trang sức có giá trị cao khi vào phòng chụp.
  • Không nên mang các vật kim loại nhỏ như chìa khóa, bút bi, đồng tiền, mắt kính có gắn kim loại… vào phòng chụp vì các vật này có thể bị hút mạnh vào lồng máy và có thể gây chấn thương cho người bệnh.
  • Việc sử dụng tai nghe nhạc sẽ giúp giảm bớt tiếng ồn mang lại sự thoải mái tối đa cho bệnh nhân trong quá trình chụp.
  • Người bệnh cần nằm yên để có được hình ảnh đạt chất lượng và hiệu quả tốt.
  • Phụ nữ đang cho con bú tốt nhất nên ngừng cho trẻ bú mẹ trong 24 giờ sau tiêm thuốc cản từ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *