Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh (tractography)

1. Tổng quan về Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh (tractography) hay Chụp Cộng hưởng từ khuếch tán sức căng (DTI – Diffusion Tensor Imaging)

Tên khoa học: Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh (tractography) hay Chụp Cộng hưởng từ khuếch tán sức căng (DTI – Diffusion Tensor Imaging)

Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh (tractography) hay chụp CHT khuyếch tán sức căng (DTI- diffusion tensor imaging) là một kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, áp dụng trong chẩn đoán bệnh lý thần kinh khi nghi ngờ có tổn thương sợi trục hoặc cần tìm liên quan giữa tổn thương và sợi trục để tránh tổn thương sợi trục khi can thiệp vào tổn thương.

Cộng hưởng từ khuếch tán khảo sát chuyển động nước trong mô; cung cấp thông tin về mật độ tế bào, sự toàn vẹn cấu trúc; phân biệt u, hoại tử, vùng bình thường; phân biệt giữa áp-xe và u não, đánh giá độ mô học của u (H.1).

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Các bệnh lý u não xâm lấn hoặc nằm cạnh các bó sợi trục
  • Xơ cứng đa ổ, tổn thương chất trắng trong bệnh nhồi máu, chảy máu,…
  • Các tổn thương dị dạng mạch máu não, cần tìm mối liên quan vùng dị dạng với bó sợi trục.
  • Dị dạng bẩm sinh: lạc chỗ chất xám, bệnh não chẻ..
  • Động kinh…

Chống chỉ định:

  • Người bệnh có trong người máy tạo nhịp tim (chống chỉ định tuyệt đối)
  • Trong người có kim loại có từ tính (chống chỉ định tương đối)
  • Người sợ ánh sáng, sợ nằm một mình
  • Không có khả năng nằm yên (có thể dùng an thần).

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Hình ảnh khuếch tán theo lực là kỹ thuật hình ảnh phát triển từ hình ảnh cộng hưởng từ khuếch tán đơn giản. Kỹ thuật này cho phép xác định hướng cũng như độ lớn của sự khuếch tán.
  • Khả năng phát hiện đường đi của các bó sợi thần kinh trong não sử dụng hình ảnh khuếch tán theo lực được gọi là hình bó sợi thần kinh. Hình bó sợi thần kinh cho phép tạo ra hình ảnh hai hay ba chiều của hệ thống các sợi thần kinh não.
  • Trong u não, kỹ thuật cho phép xác định sự xâm lấn hay đè đẩy các bó sợi thần kinh, liên quan u não và các sợi thần kinh các thông tin rất quan trọng trong lập kế hoạch điều trị u não.
  • Chụp cộng hưởng từ khuếch tán cung cấp thêm các thông tin quan trọng về nhiều quá trình bệnh lý ở sọ não mà cộng hưởng từ thường quy không thể hoặc rất khó đánh giá như trong bệnh lý u, viêm, rối loạn chất trắng…

Nhược điểm:

  • Hiện nay chưa thấy báo cáo nào về tác hại của từ trường đối với cơ thể. Tuy nhiên, từ trường cao của máy có thể gây hại đến các thiết bị cấy – ghép bằng kim loại bên trong cơ thể. Tất cả các vật kim loại cần được lấy ra trước khi chụp MRI. Bởi vậy, trước khi chụp, bệnh nhân cần thông báo cho nhân viên y tế phòng chụp cộng hưởng từ về các thông tin như: có đặt máy trợ thính, van tim nhân tạo, cấy ghép thiết bị điện tử, kim loại, răng giả… trong người hay không.
  • Trừ khi thật cần thiết, nếu không không nên sử dụng với các bệnh nhân mang thai ở quý đầu.

4. Quy trình thực hiện – Chụp cộng hưởng từ các bó sợi

Bước 1: Chuẩn bị người bệnh

  • Người bệnh được nằm ngửa trên bàn chụp
  • Lựa chọn và định vị cuộn thu tín hiệu
  • Di chuyển bàn chụp vào khoang máy và định vị vùng chụp

Bước 2: Thực hiện kỹ thuật

  • Chụp định vị
  • Lựa chọn các chuỗi xung chẩn đoán phù hợp với mục đích thăm khám, thông thường là T1, T2, FLAIR. Hướng cắt bao gồm cắt ngang (cắt ngang), đứng ngang (đứng ngang) và đứng dọc (đứng dọc).
  • Thực hiện chuỗi xung khuếch tán thông thường và tính bản đồ hệ số khuếch tán biểu kiến (bản đồ ADC) để đánh giá tổn thương. Ngoài ra tủy từng tổn thương phát hiện được mà có thể tiến hành các chuỗi xung cần thiết, ví dụ chuỗi xung T2* để tìm tổn thương có chảy máu hay không
  • Lựa chọn chuỗi xung chụp bó sợi thần kinh (tensor) và chọn hướng tùy thuộc vào hướng của sợi trục cần thăm khám.
  • Tiến hành cho chạy từng xung và xử trí hình ảnh thu được trên màn hình trạm làm việc, lựa chọn các ảnh cần thiết bộc lộ bệnh lý để in film.
  • Bác sỹ phân tích kết quả và chẩn.

Bước 3. Theo dõi

  • Khi tiến hành thủ thuật: theo dõi mạch, huyết áp, tri giác thông qua camera và/hoặc điện tim trên màn hình
  • Sau khi tiến hành thủ thuật: cho người bệnh ngồi chờ đợi 30 phút tại phòng đợi để theo dõi tiếp.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Chụp cộng hưởng từ không gây đau. Vài trường hợp cảm giác hơi mỏi do phải nằm yên ở một tư thế.
  • Trong lúc chụp, từng lúc quý vị nghe có tiếng ồn từ máy phát ra do hiện tượng cộng hưởng, đây là điều bình thường.
  • Với trường hợp cần tiêm tương phản, người bệnh có thể cảm giác toàn thân ấm lên hay có vị đắng ở lưỡi, điều đó là bình thường, và các triệu chứng sẽ tự hết trong vòng 2 đến 5 phú

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Cần báo ngay cho kỹ thuật viên khi có các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt hoặc khó thở.  

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Không cần nhịn ăn trước khi chụp.
  • Phụ nữ đang cho con bú tốt nhất nên ngưng cho trẻ bú mẹ trong 36 giờ sau tiêm thuốc tương phản từ.
  • Với chụp vùng cổ, bệnh nhân có thể được yêu cầu không nuốt nước bọt trong khi chụp. Với chụp vùng ngực hoặc bụng, bệnh nhân có thể được yêu cầu nín hơi thở trong khoảng thời gian ngắn để hình ảnh được sắc nét hơn.
  • Những bệnh nhân được đặt các thiết bị điện tử như máy tạo nhịp nhân tạo, máy khử rung, máy trợ thính, các kẹp mạch máu não không nên vào phòng máy, vì từ trường mạnh của máy có thể làm hỏng các thiết bị trên. Do vậy, không thể chụp cộng hưởng từ cho các trường hợp này khi máy còn ở trên cơ thể.
  • Không nên mang các các vật dụng kim lọai như chìa khóa, kim bấm, túi xách tay hoặc mắt kính có gắn kim lọai vào phòng chụp vì các vật này có thể bị hút mạnh vào lồng máy và gây chấn thương cho quý vị.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *