Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết

1. Tổng quan về Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết

Tên khoa học: Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết

Mô tả sơ bộ kỹ thuật 

Soi thực quản – dạ dày – tá tràng có sinh thiết là phương pháp thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa bằng cách đưa một ống soi mềm qua đường miệng và đi qua các cơ quan này. Ống nội soi tiêu hóa có đường kính nhỏ, vừa gắn nguồn chiếu sáng, camera thu hình trực tiếp chiếu lên màn hình, vừa gắn các dụng cụ can thiệp khi cần. Ngoài ra, ống nội soi có thể điều khiển được hướng đi, góc quan sát nhằm phát hiện những tổn thương nhỏ chỉ vài milimet trên niêm mạc hệ tiêu hóa. Trong quá trình này có lấy các mảnh thực quản, dạ dày hoặc tá tràng bằng kìm sinh thiết để làm xét nghiệm mô bệnh học.

Kỹ thuật này dùng để chẩn đoán bệnh gì?

  • Ung thư thực quản
  • Ung thư dạ dày
  • Barrett thực quản

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Đau thượng vị, nôn không rõ nguyên nhân, hội chứng trào ngược
  • Thiếu máu, gầy sút cân
  • Đau ngực sau khi đã kiểm tra tim mạch bình thường
  • Nuốt nghẹn
  • Hội chứng kém hấp thu
  • Tiền sử dùng thuốc chống viêm, giảm đau
  • Cắt 2/3 dạ dày sau 10 năm
  • Bệnh polyp gia đình
  • Bệnh Crohn

Chống chỉ định:

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Các bệnh lý có rối loạn đông cầm máu như: Lơ xê mi, xuất huyết giảm tiểu cầu…
  • Các bệnh lý ở thực quản có nguy cơ làm thủng thực quản như bỏng thực quản do hóa chất và thuốc gây hẹp thực quản.
  • Phình động mạch chủ ngực
  • Suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp
  • Suy hô hấp, khó thở do bất cứ nguyên nhân gì, ho nhiều

Chống chỉ định tương đối:

  • Người bệnh tâm thần không phối hợp được
  • Tụt huyết áp

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật – Nội soi thực quản, dạ dày

Ưu điểm:

  • Nội soi dưới gây mê sẽ giúp người bệnh giảm đi phần nào cảm giác khó chịu, sợ hãi khi thực hiện nội soi. Từ đó, bác sĩ sẽ có điều kiện quan sát các tổn thương tốt hơn, thực hiện can thiệp đạt hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
  • Có thể phát hiện ra những về thương rất nhỏ, ngay cả với những vết thương chỉ vài mm.

Nhược điểm:

Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết là kỹ thuật khó, đòi hỏi phải được thực hiện tại cơ sở y tế có hệ thống cơ sở vật chất tốt, kỹ thuật viên là người có kinh nghiệm.

4. Quy trình thực hiện

Bước 1: Tất cả bệnh nhân trước khi được thực hiện nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng đều được thăm khám kỹ lượng và thực hiện các xét nghiệm thường quy. Sau đó, bệnh nhân và thân nhân sẽ được tư vấn, giải thích về sự cần thiết của nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài ra, cách thức thực hiện và cả những nguy cơ có thể xảy ra cũng được trình bày kỹ lưỡng để người bệnh hiểu rõ và chấp thuận.

Bước 2: Bệnh nhân nằm nghiêng trái. Chân phải co, chân trái duỗi. Được gây tê vùng hầu họng bằng Xylocain 2% hoặc Lidocain 10%.

Bước 3: Đưa máy soi qua miệng, họng vào thực quản, dạ dày, tá tràng bơm hơi và quan sát. Khi phát hiện vùng tổn thương nghi ngờ, điều dưỡng đưa kìm sinh thiết qua kênh của máy và bác sĩ nội soi dùng kìm sinh thiết bấm từ 4 đến 6 mảnh cho vào ống đựng phoocmon để gửi xét nghiệm mô bệnh học.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Sau khi kết thúc xong nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, bệnh nhân hoàn toàn có thể trở về sinh hoạt như bình thường, kể cả việc đi lại và ăn uống. Tuy nhiên, một số ít người có thể xuất hiện triệu chứng như tức, đầy chướng bụng mơ hồ. Nếu nội soi có gây mê, người bệnh sẽ còn cảm giác thấy buồn ngủ, lừ đừ, mệt mỏi nhẹ. Hầu hết các vấn đề này là lành tính, sẽ tự thuyên giảm và khỏi hẳn ngay trong ngày hôm sau.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Trào ngược dịch dạ dày liên tục
  • Nôn ói
  • Hít sặc thức ăn vào đường thở
  • Đau bụng nhiều và liên tục
  • Đi ngoài phân đen hoặc phân sậm màu
  • Sốt cao liên tục

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Máy thở cao cấp Carescape R860

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bệnh nhân cần phải nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước nội soi. 
  • Bệnh nhân nếu đang sử dụng thuốc nào cần phải báo với bác sĩ trước khi tiến hành nội soi. Ngoài ra các bệnh nhân có tiền sử tim mạch, hô hấp (hen suyễn) cần phải thăm khám cẩn thận trước khi nội soi.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *