1. Tổng quan bệnh Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài đặc trưng bởi tình trạng đau và tổn thương khớp cùng chậu, cột sống và các khớp chi dưới. Bệnh khiến một số đốt sống dính lại với nhau làm sưng lên dẫn đến việc khó cử động làm gù, vẹo, tàn phế.
Trong một số trường hợp, bệnh còn ảnh hưởng đến các khớp khác trong cơ thể như khớp háng, khớp gối, bàn chân, dây chằng, đôi khi còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác như tim, gan, phổi.
2. Nguyên nhân bệnh Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp có di truyền không?
Bệnh viêm cột sống dính khớp với nguyên nhân hiện nay vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên có nhiều nghiên cứu chỉ ra bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Trong gia đình nếu có người bị bệnh viêm cột sống dính khớp thì tỷ lệ người mắc sẽ tăng lên. Ngoài ra, bệnh còn liên quan chặt chẽ đến gen HLA-B27 – gen quy định kháng nguyên bạch cầu người.
3. Triệu chứng bệnh Viêm cột sống dính khớp
Các triệu chứng bệnh viêm cột sống dính khớp bao gồm:
- Triệu chứng gặp sớm nhất là đau cột sống thắt lưng hoặc đau vùng thắt lưng. Cơn đau xuất hiện vào buổi tối hoặc sáng sớm, đi kèm theo những triệu chứng cứng khớp. Bệnh nhân có thể bị thức giấc khi ngủ do những cơn đau gây khó chịu.
- Cơn đau lưng khởi phát từ khớp xương vùng chậu. Cơn đau có thể khu trú hoặc lan ra toàn bộ vùng cột sống. Ngoài ra, viêm khớp cùng chậu với biểu hiện đau xuất hiện tại vùng mông, một hoặc hai bên. Khi xuất hiện cơn đau làm phần dưới xương sống của bệnh nhân kém linh hoạt, bệnh nhân lúc này thường giảm đau bằng nằm nghiêng co lưng tôm hay nằm ngửa kê gối cao đầu sẽ làm biến chứng lưng bị gù không tốt.
- Các bộ phận khác của cơ thể cũng xuất hiện đau nhức như các khớp xương sườn, xương ức, vai, đầu gối.
Khi có các biểu hiện, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém, sút cân cần đi gặp bác sĩ để khám và điều trị nếu không điều trị sẽ dẫn các biến chứng khó hồi phục.
4. Đối tượng nguy cơ bệnh
Viêm cột sống dính khớp là bệnh rất phổ biến và có tính chất di truyền. Bệnh hay gặp nhất ở nam giới và thường xuất hiện ở trước tuổi 35 và chỉ có một số trường hợp bệnh xuất hiện sau 45 tuổi. Bệnh viêm cột sống dính khớp rất nguy hiểm, nếu không điều trị sớm và kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng biến dạng khớp, tàn phế, phụ thuộc và sự chăm sóc của gia đình và xã hội.
5. Phòng ngừa bệnh
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, không sử dụng rượu bia và hút thuốc lá giúp phòng ngừa bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng cần đến khám tại cơ sở y tế khi có biện pháp điều trị phù hợp, không để bệnh diễn biến nặng sẽ điều trị khó khăn và khó phục hồi.
6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Khi người bệnh đến khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ kết hợp giữa biểu hiện lâm sàng của người bệnh và hỏi bệnh như thời gian đau, tình trạng, vị trí đau hay tiền sử gia đình để có định hướng xác định bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa như:
Kiểm tra bằng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mang lại giá trị cao như X-quang, MRI giúp cho bác sĩ thấy rõ được các hình ảnh tổn thương xương, mô mềm đồng thời đánh giá được tổn thương xuất hiện theo từng năm để có liệu trình điều trị phù hợp.
Xét nghiệm máu kiểm tra gen HLA – B27 là gen liên quan đến bệnh hay làm các xét nghiệm đánh giá mức độ tổn thương xương khớp có ý nghĩa và giá trị cao trong việc điều trị cho người bệnh.
7. Các biện pháp điều trị bệnh
Việc phát hiện và điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp rất quan trọng, cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt nhiên không để bệnh lâu, bệnh diễn biến xấu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Các biện pháp điều trị hiện nay thường sử dụng như:
- Điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ: Điều trị bằng các loại thuốc chuyên khoa theo chỉ định. Các loại thuốc này có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm tê cứng ở khớp. Cần chú ý đến tác dụng phụ của thuốc để hạn chế tối đa di chứng cho người bệnh
- ·Phục hồi chức năng và vật lý trị liệu giúp cải thiện tư thế đi lại giúp ngăn chặn sự thoái hóa và dính khớp của người bệnh.
- Phẫu thuật trong trường hợp không đáp ứng điều trị hoặc người bệnh có những tổn thương nghiêm trọng không thể chữa trị theo phương pháp nội khoa hoặc phục hồi chức năng.
Nguồn: Vinmec