Thụ tinh ống nghiệm

1. Tổng quan về Thụ tinh ống nghiệm

  • Tên khoa học: Thụ tinh ống nghiệm
  • Tên thường gọi: IVF
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn, trong đó tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài (2-5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để làm tổ và bắt đầu quá trình mang thai.

Trên thế giới, khả năng IVF thành công là khoảng 40-45%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này đạt 35-40%, con số này sẽ giảm từ 2-10% đối với phụ nữ lớn tuổi (sau tuổi 40).

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Tắc hai vòi trứng. Tắc nghẽn ống dẫn trứng
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Xin trứng.
  • Hiếm muộn không rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại.
  • Tinh trùng ít, yếu, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh.
  • Không tinh trùng trong tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn).
  • Đứt niệu đạo sau do di chứng vỡ xương chậu.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Thụ tinh ống nghiệm đã được sử dụng từ rất lâu và có độ an toàn cao. Minh chứng chính là sự ra đời của em bé sinh trong ống nghiệm đầu tiên năm 1978, Louise Brown.
  • Đối với những phụ nữ có ống dẫn trứng bị tắc, Thụ tinh ống nghiệm  đảm bảo lấy được trứng giúp quá trình thụ tinh hoàn thiện.
  • Với người cao tuổi hoặc có trữ lượng trứng thấp, Thụ tinh ống nghiệm  có thể lựa chọn chất lượng trứng tốt nhất cho việc thụ tinh mà không lo về số lượng.
  • Với những cặp vợ chồng không chẩn đoán được nguyên nhân vô sinh, việc can thiệp bằng Thụ tinh ống nghiệm  sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với việc thụ thai tự nhiên, bởi nó có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về thụ tinh, vốn là một trong những nguyên nhân hàng đầu cho những trường hợp hợp vô sinh không rõ nguyên nhân.
  • Quá trình thụ tinh ống nghiệm có tỉ lệ thành công nhiều hơn nhiều so với thụ tinh nhân tạo và các hình thức hỗ trợ sinh sản khác.
  • Thụ tinh ống nghiệm có thể hỗ trợ và giúp những người mẹ đơn thân, hoặc những cặp vợ chồng đồng tính có thể có con nhờ ngân hàng tinh trùng.
  • Với những phôi chưa được sử dụng, bạn có thể tặng lại cho các cặp đôi khác, hoặc thậm chí, để dành phòng khi có thể cứu sống chính bạn và gia đình mình.
  • Không chỉ có tác dụng hữu hiệu đối với mong muốn có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, thụ tinh ống nghiệm  còn có thể được sử dụng trong sản khoa để sàng lọc các bệnh di truyền, đặc biệt là các bệnh rối loạn di truyền như bệnh xơ nang, bệnh Huntington, loạn dưỡng cơ bắp; hoặc rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, đảm bảo một thai kỳ hiệu quả và một em bé thật sự khỏe mạnh khi ra đời. 

Nhược điểm:

  • Một chu trình thụ tinh ống nghiệm cũng có thể thất bại, vì vậy, các bệnh nhân thường phải thực hiện hơn một lần trước khi thành công.
  • Thụ tinh ống nghiệm cũng có thể gặp tác dụng phụ, bởi nó giống như một quy trình điều trị y tế khác, trong đó, tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là hội chứng buồng trứng bị kích thích.
  • Phương pháp điều trị thụ tinh ống nghiệm dễ có khả năng tạo nên đa thai (khoảng 20-30% trường hợp), vì thường để tránh xác suất không thành công, cần phải đưa nhiều hơn một phôi vào tử cung. Hiện tượng đa thai sẽ kéo theo những rủi ro về sức khỏe của mẹ và bé, như nguy cơ sẩy thai, sinh non, thai chết lưu và các vấn đề sức khỏe trẻ sơ sinh khác.
  • Vấn đề thai ngoài tử cung cũng được các bác sĩ sản khoa cảnh báo tăng gấp đôi (1-3% trường hợp) khi điều trị bằng  thụ tinh ống nghiệm, đặc biệt hay xảy ra ở những phụ nữ có vấn đề nặng về ống dẫn trứng.
  • Sự kích thích nồng độ estrogen cao trong quá trình thụ tinh ống nghiệm sẽ dẫn tới sự tác động không tốt đến môi trường của tử cung, gây ra sinh non và trọng lượng cơ thể trẻ sơ sinh nhẹ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của đứa trẻ.
  • Việc phải thực hiện nhiều lần  thụ tinh ống nghiệm không tránh khỏi tạo ra một số vấn đề tiêu cực về tâm lý như lo lắng, căng thẳng, …
  • Cuối cùng, và tương đối quan trọng cho quyết định của các bạn là chi phí cho một ca thụ tinh ống nghiệm khá tốn kém, nhất là với những ca phải làm đi làm lại nhiều lần.

4. Quy trình thực hiện Thụ tinh ống nghiệm

Quy trình thụ tinh ống nghiệm như sau:

Bước 1: Khám sức khỏe, đánh giá khả năng sinh sản

Xét nghiệm ở người vợ:

  • Xét nghiệm nội tiết: Xét nghiệm nội tiết: định lượng nồng độ nội tiết sinh dục (estrogen, progesteron,…), nội tiết hướng sinh dục (LH, FSH) để đánh giá tình trạng hoạt động của trục Hạ Đồi – Tuyến Yên – Buồng Trứng cũng như đánh giá dự trữ buồng trứng của người phụ nữ (AMH, FSH, LH).
  • Xét nghiệm các bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục: Lấy máu làm xét nghiệm để xác định các bệnh có thể lây truyền qua đường sinh dục: HIV, giang mai, viêm gan B, lấy dịch âm đạo xét nghiệm Chlamydia…
  • Siêu âm phụ khoa và đếm nang noãn cơ bản trên hai buồng trứng vào ngày đầu của chu kỳ kinh: Siêu âm phụ khoa giúp phát hiện ra các bất thường về phụ khoa như là u xơ tử cung, u nang buồng trứng và các bất thường bẩm sinh của đường sinh dục nữ hoặc buồng trứng dạng đa nang…
  • Xét nghiệm ở người chồng
    • Tinh dịch đồ: Thông qua xét nghiệm tinh dịch để xác định: tinh trùng ít, tinh trùng yếu, tinh trùng bất thường hay là không có tinh trùng.
    • Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm lấy máu xác định các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục: viêm gan B, HIV, giang mai…

Trường hợp người chồng không có tinh trùng, phải tiến hành tiếp các xét nghiệm chuyên biệt khác như là định lượng nội tiết sinh dục, siêu âm phần bìu,…

Bước 2: Kích thích buồng trứng

Người vợ sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tục mỗi ngày, thường từ 9-11 ngày.

Trong thời gian tiêm thuốc, người vợ sẽ đến siêu âm và xét nghiệm máu theo lịch hẹn để theo dõi sự phát triển của nang noãn và điều chỉnh thuốc tùy đáp ứng của mỗi người. Khi nang noãn đạt kích thước theo quy định, người vợ sẽ được tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành (mũi kích rụng trứng), mũi thuốc này cần phải tiêm đúng giờ.

Bước 3: Chọc hút trứng

36-40 giờ sau khi tiêm mũi thuốc cuối cùng, người vợ nhịn đói vào buổi sáng, đến bệnh viện để chọc hút trứng. Bệnh nhân sẽ được gây mê nên sẽ không cảm thấy đau đớn. Sau khi chọc hút trứng, người vợ ở lại bệnh viện theo dõi sức khỏe trong khoảng 2-3 giờ.

Sau khi hút trứng và dịch nang, trứng sẽ được kiểm tra và tách dưới kính hiển vi.

Cùng lúc đó, người chồng lấy tinh trùng để chuẩn bị thụ tinh theo cách thường quy (IVF) hoặc tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn (ICSI).

Bước 4: Thụ tinh

Trứng và tinh trùng được chuyển đến phòng Labo để thụ tinh và tạo phôi. Phôi sẽ được nuôi cấy bên ngoài 2-5 ngày.

Số phôi đạt chất lượng sẽ được chuyển vào cơ thể người vợ ( chuyển phôi tươi), số phôi dư sẽ được trữ đông. Cũng có nhiều trường hợp vì lý do chuyên môn hay cá nhân toàn bộ số phôi sẽ được trữ đông. Trong khoảng thời gian này, người vợ sẽ dùng thuốc đường uống và đặt âm đạo để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi

Bước 5: Chuyển phôi

Bác sĩ sẽ thông báo về số lượng, chất lượng phôi được tạo thành. Sau đó, số phôi chuyển vào buồng tử cung, số phôi dư có thể để trữ lạnh sẽ được thống nhất giữa 2 bên.

Phôi sẽ được chuyển sau 2-5 ngày sau khi chọc hút trứng. Nếu niêm mạc tử cung đủ độ dày, chất lượng tốt, thuận lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi sau khi đặt vào buồng tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện chuyển phôi.

Người vợ nằm nghỉ 2-4 giờ tại bệnh viện để theo dõi sau đó sẽ được về nhà. Sau khi chuyển phôi, người vợ tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết và nghỉ ngơi, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp chuyển phôi trữ, người vợ sẽ siêu âm và dùng thuốc để theo dõi niêm mạc tử cung trong vòng từ 14-18 ngày bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh tiếp theo, sau đó bác sĩ sẽ chọn ngày thích hợp để chuyển phôi trữ.

Bước 6: Thử thai

Hai tuần sau chuyển phôi, người vợ đến bệnh viện để xét nghiệm máu (xét nghiệm beta HCG) . Nồng độ beta HCG sau 2 tuần chuyển phôi nếu lớn hơn 25 IU/l là có thai, nồng độ này cao thấp còn tuỳ thuộc từng cơ thể mỗi người và số lượng phôi làm tổ sau khi chuyển.

  • Nếu nồng độ sau 2 ngày tăng gấp rưỡi trở lên thì thai đang phát triển, người mẹ tiếp tục dùng thuốc dưỡng thai đến ngày siêu âm để xác định túi thai và tim thai.
  • Nếu nồng độ sau 2 ngày không tăng hoặc giảm thì tiếp tục theo dõi. Trường hợp thai sinh hoá ( sẩy thai) khi nồng độ beta khi trở về âm tính ( nhỏ hơn 5 IU/l).

Khi chưa có thai nhưng còn phôi trữ, người vợ có thể tiếp tục dùng phôi trữ để chuyển vào tử cung ở các chu kỳ tiếp theo mà không cần lặp lại các bước trước đó.

Bước 7: Theo dõi thai nhi

Siêu âm thai định kỳ để kiểm tra thai nhi có phát triển khỏe mạnh không kết hợp với thăm khám lâm sàng

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Bụng dưới đau âm ỉ như bị cắn líu nhíu rất khó chịu: Nhiều người ở thời điểm này còn cảm thấy đau quặn thắt bụng lại thành từng cơn chỉ muốn nằm bất động một chỗ.
  • Căng tức bầu ngực: Thông thường trước khi chuyển phôi, các bác sĩ sẽ phải tiêm vào cơ thể mẹ hormon ức chế khả năng rụng trứng tự nhiên trong quá trình chuyển phôi, đồng thời kích thích tăng sản sinh nội tiết tố nữ tạo môi trường thuận lợi cho phôi thai bám vào và làm tổ.
  • Xuất hiện máu hồng li ti: Một số phôi đạt chất lượng tốt thì chỉ đến ngày thứ 2 mẹ đã thấy xuất hiện vài giọt máu hồng li ti ở quần lót. Chậm hơn thì đến ngày thứ 4 cũng bắt đầu xuất hiện. Các mẹ không nên quá lo lắng và hãy xem đây là một dấu hiệu đáng mừng vì lúc này phôi thai di chuyển tích cực tìm vị trí làm tổ khiến cho nội mạc thành tử cung đang căng đầy bị tổn thương, khiến máu xuất hiện.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Cơn đau bụng của mẹ trở nên quặn thắt kéo dài , bất thường. Máu chảy ra có màu nâu sẫm, nhiều – rất nhiều => đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy thụ tinh ống nghiệm đã bị thất bại.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Thông thường sau khi chuyển phôi, bác sĩ sẽ đề nghị mẹ nằm nghỉ từ tại bệnh viện 2-3 giờ, sau đó về nhà.
  • Trong khoảng 3-5 ngày kể từ khi chuyển phôi mẹ nên nằm một chỗ và nghỉ ngơi tuyệt đối (nếu cần thiết, nên đi vệ sinh bằng bô nằm tại giường).
  • Tránh các hoạt động mạnh, tránh tập thể dục nặng, tránh bơi lội, tránh tắm bồn, nên có chế độ dinh dưỡng tốt, …như với với phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *